Làm thủ tục nhập học ở Trường cao đẳng công nghiệp Thừa Thiên Huế

Áp lực việc làm

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH), hàng năm, lực lượng lao động của tỉnh được bổ sung khoảng 18.000 người, cùng với số lao động đang thất nghiệp hoặc có việc làm không thường xuyên khoảng 9.000 người. Tuy nhiên, số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000-17.000 người/năm. Nhiều lao động phải đi tìm việc làm ở ngoài tỉnh, hoặc thất nghiệp, hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Nhiều người đã qua đào tạo ở các cấp trình độ nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%; kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp chưa cao. Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh tham gia học nghề còn hạn chế. Do đó, việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động chưa hiệu quả. Thế nên, lao động có việc làm, nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập chưa ổn định.

Ông Lê Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý nhân sự của Công ty TNHH Thiên Ấn (TP. Huế), cho biết: “Ngay cả đội ngũ đã qua đào tạo cũng chưa bảo đảm được chất lượng theo yêu cầu thị trường. Sau khi tuyển dụng vào, doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, đôi lúc doanh nghiệp chấp nhận chấm dứt hợp đồng lao động sớm do người lao động (NLĐ) không đủ năng lực, trình độ kỹ thuật, nhất là mỗi khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Hơn nữa, ý thức tự học nâng cao trình độ của NLĐ chưa cao”.

Xu thế lao động Thừa Thiên Huế đi các tỉnh khác làm việc ngày càng nhiều. Tâm lý người Huế vẫn nặng chuyện bằng cấp, muốn con học đại học, thạc sĩ rồi vào các cơ quan nhà nước. Thế nên, dẫu tìm việc làm ở các doanh nghiệp nhưng họ vẫn chưa bằng lòng, “đứng núi này, trông núi nọ”. “Tôi học công nghệ thông tin, ra trường được 5 năm, nhảy việc cũng khá nhiều nhưng vẫn chưa ưng ý. Học bằng thạc sĩ mà vào làm doanh nghiệp tư nhân với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, không có chế độ đãi ngộ nên tôi chấp nhận vào các thành phố lớn để lập nghiệp”, anh Nguyễn Văn Thắng (Phú Hiệp, TP. Huế) chia sẻ.

Phải thừa nhận rằng, không ít doanh nghiệp ở Huế thiếu sự ổn định, tiền lương thấp, các chế độ đối với NLĐ chưa được quan tâm… nên hiệu quả tạo việc làm không cao. Người trẻ có năng lực, có bằng cấp luôn muốn doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất nhưng rất ít doanh nghiệp đáp ứng được.

Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Toàn tỉnh đang nỗ lực huy động các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để giải quyết việc làm cho NLĐ, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm. Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2017-2020 xác định, từ nay đến năm 2020 giải quyết việc làm cho 64.000 lao động, bình quân 16.000 lao động/năm.

Vấn đề đặt ra là phải đổi mới tư duy về đào tạo nghề và học nghề, nếu làm không nhanh, khẩn trương sẽ rất dễ bị tụt hậu. Tư duy ấy là chuyển sang đào tạo những gì mà thị trường yêu cầu chứ không phải là đào tạo những gì mình đã có. NLĐ cần chủ động nâng cao tay nghề một cách thực chất; phải đổi mới tư duy lao động theo hướng tác phong công nghiệp hiện đại. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập phải xây dựng chương trình đào tạo khung chuẩn cũng như đội ngũ giáo viên cho phù hợp.

Trong nhóm giải pháp của tỉnh, phát triển mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân sẽ chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm… Tỉnh đang phấn đấu tăng bình quân số doanh nghiệp thành lập mới 15%/năm, đến năm 2020 có 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào khởi nghiệp đối mới sáng tạo, nhất là  đối tượng sinh viên thông qua các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ… nhằm phát huy tài năng, trí tuệ trong phát triển kinh tế…

Công tác dự báo, thông tin về thị trường lao động cần được đẩy mạnh. Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế cho rằng: “Khi có sự dịch chuyển tự do nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, lao động Thừa Thiên Huế nhất thiết phải có trình độ ngoại ngữ. Muốn vậy, các trường nghề phải tạo điều kiện để học viên, sinh viên phát huy được thế mạnh này ngay từ khi còn đang học tập ở các cơ sở đào tạo”. 

Ngoài trình độ chuyên môn, yêu cầu ngoại ngữ thì một trong những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng lao động đó là kỹ năng mềm. Đây là vấn đề mà theo các chuyên gia đánh giá là lao động của chúng ta đang rất thiếu. Đó là khả năng giao tiếp, làm việc nhóm. Bởi lẽ, sinh viên mới ra trường gần như chưa quen với xã hội công nghiệp, làm việc còn rời rạc, thiếu tính kỷ luật… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động.

Lao động thiếu việc làm sẽ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, nhất là thời kỳ tỉnh ta đang ở giai đoạn “dân số vàng”. Thế nên, bằng các nguồn lực, toàn tỉnh sẽ chi cho mục tiêu giải quyết việc làm từ nay đến 2020 khoảng trên 88,66 tỷ đồng. Tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban… Hy vọng, với quyết tâm mới, NLĐ tỉnh nhà sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huế Thu