Bộ đội Biên phòng đồn A Đớt gặt lúa giúp dân

Dân cần là có các anh

Mới 6 giờ sáng, điện thoại của Thượng úy Mai Quốc Trung, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nhâm đã đổ chuông dồn dập. Đó là cuộc gọi từ bà Hồ Thị Vợt ở xã Hồng Thái. “Mẹ yên tâm”- Thượng úy Trung nói qua điện thoại. Rồi anh cho chúng tôi biết, lát nữa sẽ cùng mấy anh em trong đội đến tiếp tục dỡ cỏ, đào đất, đánh luống trồng cỏ voi lấy thức ăn cho bò, cá, quy hoạch khu vườn giúp gia đình mẹ Vợt - một gia đình neo đơn. 

Trung chia sẻ, những cuộc gọi như thế không có gì lạ. Và anh không là “ngoại lệ”. Thượng úy Bùi Văn Hùng (Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm), Thiếu tá Phạm Khắc Kế, cán bộ quân y… và những đồng đội “cắm chốt” địa bàn các xã biên giới Hồng Thượng, Hồng Thái, Nhâm, Hồng Bắc của huyện A Lưới (thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Nhâm) sẵn sàng khi dân cần, dân gọi, dù lúc đó nửa trưa đứng bóng hay đêm hôm khuya khoắt. Không chỉ là lúc có người cần cấp cứu những ca sinh nở hoặc bệnh tật bất thình lình, hóa giải những “cơn” mâu thuẫn do con bò, con trâu nhà này “vô tư đánh chén” rau cỏ trong vườn nhà kia.

 Bộ đội Biên phòng đồn Hồng Vân thăm hỏi, động viên người dân xã Hồng Thủy

BĐBP cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng của đồng bào để hiểu, sẻ chia, gánh vác những điều khó khăn nhất. Vậy nên, Đại úy Lê Xuân Nghiêm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Đớt; Trung úy Võ Văn Vinh, Đội phó và tất cả những cán bộ “cắm” bản ở các xã A Đớt, Đông Sơn, Hương Phong (do Đồn Biên phòng A Đớt quản lý) đều nắm rõ như lòng bàn tay hoàn cảnh của từng hộ gia đình, từng thôn, bản để có sự hỗ trợ kịp thời.  “Năm ngoái, nghe đài biết sắp có mưa bão, bố mẹ lo lắm. Bố mẹ già yếu, lại không có con, thế nhưng, lại được các chú bộ đội giằng chống, lợp lại mái nhà thật chắc”- vợ chồng ông Cu Ro (thôn A Đớt, xã A Đớt) tâm sự. Vợ chồng chị Hồ Thị Thanh ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn cũng xúc động nhớ lại: “Lo cho mấy đứa con nhỏ, không kịp trở tay, tưởng căn nhà xập xệ sẽ “bay” luôn trong bão, may mà có anh em biên phòng...”.

“Có anh em biên phòng” cũng là những lời giản dị “từ bụng” của những người trong gia đình bà Hồ Thị Dệt (thôn A Đâng) và bà Hồ Thị Nhao (thôn Tu Vay, xã Hồng Thái) khi kể câu chuyện vì sao làm được căn nhà chắc chắn, ấm áp. Bà Dệt là mẹ đơn thân, nhà chỉ có hai mẹ con rất neo đơn, khó khăn. Bà Nhao là người có công với cách mạng, không chồng con, bệnh tật, mất sức lao động. “Nhà” bà Dệt, bà Nhao là những căn lều tạm với vài tấm tôn, xung quanh thưng cót tạm bợ. Họ là những “địa chỉ số một” của chương trình “Mái ấm biên cương”. Từ vận động của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, nhiều tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí. Sau khi cán bộ biên phòng cắm bản tham mưu cho UBND xã, chọn các hộ cần được giúp nhất, các anh cũng là người đứng ra tín chấp, cam kết với các đầu mối, bảo lãnh để đưa vật liệu về xây dựng. “Không có BĐBP bảo lãnh, doanh nghiệp đâu dám cho mình ứng vật liệu. Ngày công cũng do BĐBP và đoàn viên, thanh niên xã giúp. Như vậy, tôi mới có được ngôi nhà tử tế, không sợ nắng mưa”- bà Nhao nói.

Sửa nhà giúp dân

Như ruột thịt

Để xe máy lại, xắn quần lội qua con suối, men theo bờ ruộng gồ ghề bùn đất quãng xa mới đến được nhà bà Kăn Đần, gần 80 tuổi bị liệt ở thôn Pa Ay, xã Hồng Thủy. Con gái duy nhất của bà Đần không lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ đã đi làm rẫy. Chưa thấy người, nhưng bà Kăn Đần đã hỏi vọng ra: “Cẩn, Tuấn hả con?”. Thiếu tá Lê Chí Cẩn, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Hồng Thủy và Thượng úy Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhanh nhẹn đến cạnh giường, nắm bàn tay nhăn nheo của bà Đần. Đôi mắt già nua của bà ánh lên niềm vui.

Bà Đần bảo, bao năm nay các anh biên phòng lui tới thăm hỏi, động viên nhiều, bây giờ chỉ cần nghe tiếng chân, bà có thể biết Tuấn, Cẩn, Hùng hay Thoan (Trung úy Nguyễn Ngọc Hùng, Đại úy Trần Văn Thoan, nhân viên đội vận động quần chúng, cắm chốt tại địa bàn xã Hồng Thủy). Bà Kăn Hoàn ở thôn 5, bà Kăn Pháo ở thôn Kêr 2, xã Hồng Thủy cũng dễ dàng nhận ra tiếng chân của từng “đứa con” ngay khi các anh mới đến đầu ngõ.

Bà Hoàn là vợ thương binh, chồng đã mất, người con trai duy nhất bị tai nạn nên hoàn cảnh rất khó khăn. Bà Pháo là mẹ liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhà của các mẹ đã từng là mái nhà của những đứa con biên phòng khi xã Hồng Thủy chưa có nhà của tổ công tác địa bàn. Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Hồng Trung trước đây cũng từng 4 năm ròng ở nhà dân. “Bộ đội ở nhà này vài tháng lại chuyển sang ở nhà khác, ở thôn này một thời gian lại qua thôn khác. Mỗi khi các con mang ba lô đi, mẹ thương, nhớ lắm, như nhớ đứa con của mẹ” - giọng bà Pháo xúc động. Bà bảo đứa con của mẹ đã vì dân mà hy sinh, bây giờ BĐBP cũng vì bản làng mà xa gia đình, lặn lội đến đây giúp đồng bào sửa nhà, sửa cửa, làm nương làm rẫy, làm đường sá, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt…, tình cảm càng thêm bồi đắp. “Gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở địa phương nếu không có BĐBP giúp thì bây giờ chưa thoát nghèo”- ông Hồ Văn Dư ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn trầm trồ.

Bài, ảnh: Phạm Thùy Chi