“Nói vậy để tăng”
Liên quan tới đề xuất tăng VAT của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai vừa khẳng định: “Bộ Tài chính đánh giá rằng, với mức điều chỉnh như vậy (tăng thuế VAT lên 12% - PV), tác động với người dân, đặc biệt người nghèo là không nhiều”.
Bộ Tài chính dẫn nghiên cứu nói người nghèo dành gần 60%, người giàu gần 40% thu nhập cho y tế, thực phẩm, giáo dục. Trong khi y tế, thực phẩm, giáo dục đều được ưu đãi miễn hoặc giảm thuế VAT, nên người nghèo ít tác động hơn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Nói như vậy không thuyết phục, chẳng qua người nghèo họ không có tiền, nên phải ưu tiên cho ăn, học, chữa bệnh. Đâu phải người nghèo không muốn hưởng các dịch vụ khác, nên không thể nói vì thế họ ít ảnh hưởng của tăng thuế”.
Ông Thành phân tích, thuế VAT tăng sẽ khiến giá cả tiêu dùng tăng, người nghèo kiếm được 1 đồng đã khó, giờ phải chi hơn 1 đồng vì tăng thuế rõ ràng thu nhập của họ sẽ bị tác động mạnh và phải cắt giảm chi tiêu. Trong khi với người giàu, chi tiêu nhiều, nhưng thu nhập cao nên có tiền tiết kiệm. Nếu giá tăng đôi chút chi tiêu của người giàu vẫn không ảnh hưởng nhiều, cùng lắm họ giảm tiết kiệm. Người nghèo kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, dù chỉ là tiêu dùng thiết yếu, thậm chí vẫn thiếu thốn. Nghèo chi tiêu ít, nên đóng thuế so với người giàu sẽ ít hơn, nhưng tỷ lệ đóng thuế trên thu nhập của họ lại cao hơn người giàu, nên rõ ràng tăng thuế VAT tác động lên cuộc sống của người nghèo lớn hơn. “Giá cả tăng người nghèo chịu tác động nhiều hơn người giàu đã là vấn đề kinh tế kinh điển, được chứng mình và ai cũng biết vậy rồi, không có gì mới lạ nữa. Nếu nói ngược lại là không đúng, vòng vo chứ không có lý, họ (Bộ Tài chính - PV) muốn tăng thì đưa ra vậy”, ông Thành nói.
TS Ngô Trí Long cho rằng, tăng thuế dù ít dù nhiều thì người nghèo vẫn chịu tác động mạnh hơn người giàu, dù đóng góp của họ ít hơn. Tăng giá sinh hoạt người giàu phải bỏ thêm ít thu nhập nữa thì cuộc sống của họ vẫn chưa ảnh hưởng gì, nhưng người nghèo thì họ đâu còn dư gì để trả cho phần tăng thêm đó, nên cuộc sống của họ đương nhiên bị tác động lớn hơn. Thêm nữa, khi giá cả tăng tạo áp lực với người nghèo thì cũng tác động cả lên các vấn đề an sinh xã hội, trong khi chính sách an sinh để bảo vệ người yếu thế. “Thuế VAT đánh vào tất cả hàng hóa tiêu dùng, chỉ cần qua một khâu là phải chịu thuế, sản phẩm qua càng nhiều khâu giá càng cao, thuế càng nhiều. Và người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu tất cả điều đó”, ông Long nói.
Người nghèo luôn chịu tác động mạnh nhất từ các biến động giá cả tiêu dùng. Ảnh: Như Ý.
Hãy siết chi tiêu, cải thiện môi trường kinh doanh
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nếu Bộ Tài chính nói tăng thuế để có tiền bảo đảm các chương trình an sinh cho người nghèo tốt hơn nghe còn khoa học, dù biết chỉ là an ủi. Còn nói tăng thuế người nghèo chịu tác động ít là sai logic. Vì khi tăng thuế VAT sẽ đánh trực tiếp vào các mặt hàng thiết yếu và đầu vào tất cả các ngành như điện, nước, xăng dầu, vật tư… điều này đã tác động vào mọi sản phẩm. Chưa nói tới tăng thuế VAT sẽ tăng giá các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.
Ông Hiển cho rằng, thực tế, tăng thuế người nghèo vẫn chịu tác động nặng nhất. “Người nghèo đã như con lừa mang nặng, dù chỉ vắt thêm cái áo mỏng họ cũng có thể khụy xuống. Giờ tăng thuế cũng vậy, họ kiếm được gì đã tiêu sạch vẫn còn thấy thiếu, giờ phải bỏ thêm tiền cho thuế tăng thì đương nhiên cuộc sống của họ chịu tác động nhiều nhất. Còn người khá giả trở lên thì có thêm ít chi phí thì cuộc sống họ vẫn vậy, tác động vẫn ít hơn”, ông Hiển nói. Ông phân tích thêm, người thu nhập trung bình trở xuống hiện chiếm tới 70% số dân, nên khi tăng thuế thì đa phần người dân sẽ chịu tác động lớn.
Theo vị chuyên gia này, nếu tăng giá do yếu tố ngoại cảnh, như giá cả thế giới tăng đành chịu. Giờ tăng giá vì ý chí của bộ máy do người dân bầu lên và đóng góp thuế để nuôi thì rõ ràng rất buồn. “Thà nói thẳng những năm trước chi tiêu quá đà, đầu tư lãng phí, kém hiệu quả nên bội chi cao, nợ công lớn, giờ phải tăng thuế vài năm để giải quyết vấn đề đó thì người dân còn thông cảm và ủng hộ. Giờ nói tôi tăng còn các anh không thiệt hại gì thì vừa không khoa học vừa khó thông cảm được”, ông Hiển nói.
TS Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, điều quan trọng hiện nay là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để người kinh doanh và doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất. Từ đó mở rộng nguồn huy động vào ngân sách mà không phải tăng thuế. Cùng đó phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách. “Làm được cả 2 việc đó song song thì không phải bàn tới tăng thuế thu ngân sách vẫn tăng”, ông Thành nói.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ chiều 30/8, liên quan tới Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% hiện hành lên 12%, nhóm ưu đãi từ 5% lên 6%, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hóa thiết yếu này. Trong khi đó, nhiều mặt hàng y tế, giáo dục, thực phẩm không chịu thuế, hoặc được hưởng thuế ưu đãi (giảm 50% thuế VAT).
“Giá cả tăng người nghèo chịu tác động nhiều hơn người giàu đã là vấn đề kinh tế kinh điển, được chứng mình và ai cũng biết vậy rồi, không có gì mới lạ nữa. Nếu nói ngược lại là không đúng, vòng vo chứ không có lý, họ (Bộ Tài chính - PV) muốn tăng thì đưa ra vậy” TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
Theo Tiền phong