Bên Tượng Đài trong khu di tích Rừng Sác
Là tôi đang đứng ở biển Cần Giờ. Nơi mà nếu không có một khái niệm về đơn vị hành chính, người ta sẽ không biết đó là một huyện của TP. Hồ Chí Minh. Có lẽ ngay khi chia tay với những ô tô, xe máy xếp lớp và hơi người trên phà Bình Khánh để chạm vào những thước đất đầu tiên của Cần Giờ, nghĩa là đã chia tay với phố thị đông đúc và dòng người lúc nào cũng chật như nêm trên các ngả đường.
Tôi cũng không hiểu mọi người đã đi đâu hết khi chuyến phà đông là thế. Mà cũng có khi đất Cần Giờ mênh mông và rừng cây ngập mặn chạy suốt hai bên con đường mang tên Rừng Sác đã “nuốt” người ta vào bên trong. Đi suốt cả chặng dài mới gặp vài ba chiếc chạy theo chiều ngược lại. Bù vào đó, mắt được thảnh thơi ngắm nhìn những triền xanh của rừng đước hai bên đường, cả tiếng xao xác của bầy chim vì cớ gì đó mà rủ nhau rời tổ. Bằng cách đó, chúng mang đến chút gia vị cho những người vừa rời thành phố và đang tìm kiếm những điều lạ lẫm ở nơi lần đầu tiên tìm đến. Thi thoảng, những khúc sông quanh co hiện ra dưới chân cầu, với cây la đà xanh sát mép nước. Có lẽ còn quá sớm để khách du lịch đặt một chuyến đi, nên mấy chiếc ca nô nằm nhàn tênh bên một bến tàu nhỏ.
Trên sông Lòng Tàu
Đường rộng, nhưng không biết có phải vì xa thành phố nên ít được chăm sóc không mà người lái xe cũng có phần áy náy khi đã giảm xóc tối đa nhưng vẫn có những đoạn khá vật vã. Tôi thật tâm là cũng không mấy để ý đến vài cú xóc nẩy người vì háo hức với một điểm đến mới mẻ, nhưng vẫn cố nhoài người ra để nhìn cho rõ hình dạng của cầu Dần Xây. Đơn giản chỉ để xem có gì mà người ta phải xây dần dần. Sông ở đây không trong, nhưng hiền hòa đến độ tôi đã nghĩ, nếu mình đứng ở ban công cầu một lúc, biết đâu lại nghe được tiếng cá quẫy.
Đi hết những hàng hoa giấy khẳng khiu giữa dải phân cách là rất nhiều những ngả rẽ. Mùi mực, mùi cá ngay lề chợ Hàng Dương trước khi ra đến bãi biển 30/4 và cái chộn rộn mua bán mời chào đã làm tôi nhào ngay vào chợ, rồi cũng bị mê dụ bởi sơ ri, xoài lắc, cóc dầm và những trái nhãn mập mạp. Cần Giờ là như thế, trong những chào hỏi mang dáng dấp của dân phượt bụi bờ…
Hải sản đã được chế biến trong chợ Hàng Dương
Giờ mới nhớ là tôi đã không ghé vào một quán coffee nào nhưng Cần Giờ lại có một dư vị khác, không phải từ biển mà từ những ngả đường rộng thênh và đầy gió. Những vườn xoài đang được bọc quả chờ ngày thu hoạch không hiểu vì sao lại lấp xấp nước. Những hàng keo dày xịch mà tôi chắc là nếu ở Huế, lũ trẻ con đã hái cho bằng hết nhưng ở đây, ngoại trừ việc làm hàng rào thì chẳng ai đoái hoài. Không biết vùng lõi của Cần Giờ chiếm bao nhiêu % trong tổng số diện tích hơn 700 km2 nhưng xem ra, dân cư ở đây có phần thưa thớt.
Loanh quanh mãi về phía Đông Hòa, chúng tôi gặp một cầu tàu. Cách đó một đỗi là bãi hàu ấp Đồng Tranh. Cát ở đây không sáng, tôi thậm chí còn nghĩ là nó lầm lụi bùn, dù cũng là biển. Vài ba con thuyền nổi lên trên nền biển đen khi mặt trời hắt sáng lúc dần cuối ngày. Trong lúc chờ thuyền chở hàu về, người đàn ông tên Hai Ở nói, dòng sông sát bên bãi hàu này, xưa này người ta vẫn gọi là sông bốt cộng hòa. Bãi hàu đó, người ta khoanh nuôi cũng đã gần chục năm rồi. Nghề này đòi vốn lớn, nên anh chỉ là người làm công, mỗi ngày kiếm được ba xị rưỡi (350.000 đồng). “Cũng nhiều người giàu lên đó – Hai Ở nói – bao nhiêu người ta cũng rước hết cô à, hàu ở đây ngon có tiếng mà”. Tôi không thấy nhiều nhà cao tầng hay những khu dân cư trù phú ở Đông Hòa hay ấp Đồng Tranh, nhưng căn cứ vào tiền công, cũng có thể đoán chừng được sự khấm khá của người nuôi hàu. Dù là một mảnh đất lặng lẽ, nhưng Cần Giờ có lẽ đã mang trong mình một cuộc đời khác khi chuyển từ vùng thuần nông, đa phần là dân nghèo sang nuôi tôm sú, các loài nhuyễn thể, một số loài cá nước ngọt để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và một số vùng lân cận. Hẳn nhiên là cuộc sống vẫn có nhiều mặt của nó, như Tám Loan mà tôi nhắc ở đầu bài chẳng hạn, chị đã bắt đầu với nghề bắt ốc trên bãi Thùy Dương từ năm 11 tuổi, nay đã bốn mươi mấy rồi vẫn lặm cặm hàng chiều phía sau đồng nghêu. Chị, và những người như mình, là một bè trầm ở Cần Giờ, với gương mặt sạm nâu và nụ cười hồn hậu như chẳng hề có chuyện cơm ngày hai bữa.
Được hắt sáng bởi đèn cao áp, những hàng cây bên đường dẫn về Cần Thạnh – thị trấn của huyện Cần Giờ trông đến là nhu mì. Chắc một phần cũng vì mật độ giao thông khá thưa thớt. Không biết có phải vì các chuyến xe buýt đã đỡ phần nào việc di chuyển của người dân về các phía không. Chợ Cần Giờ lúc chúng tôi ghé qua chỉ còn lại mấy hàng hoa quả, ấn tượng nhất là hình ảnh của một đôi vợ chồng già bắc ghế ngồi bên hiên nhà, ngay trước lăng Cá Ông. Thời gian có thể đã điềm tĩnh trôi qua trên những vết đồi mồi và mái tóc bạc, nhưng cái nhìn hiền và ấm áp ngay cả với khách lạ làm tôi cảm thấy ngày thật bình yên.
Thu hoạch hàu ở ấp Đồng Tranh
Có một cảm giác rất đã khi gió tạt qua vai mình khi chạy trên các ngả đường ở Cần Giờ bằng xe máy. Nhưng ngay cả khi trở về từ một nhà hàng ở đường Duyên Hải, với một bữa chiều khá bình dân với cua hấp và lẫu cá khoai, sát bên cạnh là đám gà mẹ gà con xí xọn được người ta thả nuôi, tôi vẫn thấy con đường có những đoạn cong thật mịn. Đó cũng là một cung đường đáng yêu khi tôi làm một cuốc đi bộ ban sáng, ngoại trừ đàn chó nhỏ trong các quán lá bên đường trước bãi biển 30/4. Điều đó làm nhãng đi một chút mùi bùn và hơi biển, nhưng cũng vẫn có đủ khoảng thời gian để nghe sương nhè nhẹ trên dải hoa cỏ may dài thành màu tím phớt. Tiếng máy sục trong các hồ tôm bên đường đánh thức cả ban mai.
Người bảo vệ đã quay lại nhắc cất kiếng mát (kính râm) khi chúng tôi chuẩn bị vào Khu di tích Rừng Sác. Lũ khỉ trong đó ưng giật kiếng của người ta nhứt đó – anh bảo. Tôi gật, mà không mấy để ý vì lũ khỉ ở đây trông còn nhỏ, và chẳng ăn thua gì so với “dân số” trên đảo khỉ ở Khánh Hòa. Đi sớm quá, nhân viên còn đang giao ban nên chúng tôi quyết định lội bộ vào nơi người ta đã phục dựng lại như một bảo tàng thu nhỏ của căn cứ Rừng Sác. Thấp thoáng dáng hình những người lính của Trung đoàn 10, bộ đội đặc công Rừng Sác anh dũng được tái hiện bằng manocanh trong cây, trong mấy căn nhà lá có tên là trạm quân y, kho quân nhu, xưởng cơ giới, bệnh xá… Chúng thật đến nỗi lúc đầu, bạn đồng hành đã hỏi mấy người kia đang làm gì trong rừng thế, rồi cười xòa khi biết mình nhầm. Rất nhiều người đã đến điểm di tích này trong chuyến du ngoạn của mình, nhưng chưa chắc đã biết hết rằng, tại đây, trong khu rừng Sác này, ngoài 2 triệu tấn bom đạn, địch còn rải xuống 665.666 gallon chất độc da cam làm 40.000 ha rừng ngập mặn bị hủy diệt hoàn toàn. Chiến tranh đã xa lâu rồi, đước đã lại lên xanh thành rừng với lũ rễ chùm ngang ngạnh vẫn cần mẫn giữ đất cho người.
Khi chia tay Cần Giờ, dĩ nhiên là tôi nhớ phiên chợ hải sản vào giữa sáng ở chợ Hàng Dương với những con cua lấm láp tươi, y như chúng vừa được mang lên từ vùng biển sình lầy. Nhớ những con ghẹ tươi rói, những con hàu xù xì và mùi thơm ngào ngạt của lũ ốc mỡ xào tỏi, sò huyết xào me, rồi cua, ghẹ, nghêu hấp. Nhớ mùi mực tươi thơm và nóng trong lưỡi khi người ta mang vào từ quán nhỏ ngay nơi nhà hàng mình ngồi. Nhớ dĩa rau bui lạ lẫm ram ráp. Nhớ cả cảm giác sợ đến hét thất thanh khi chú khỉ hai lần định giật kính mình đeo từ phía sau vai…
TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến việc xây dựng Cần Giờ thành một vùng sinh thái. Một số dự án du lịch đã chọn Cần Giờ để đầu tư và có thể, tôi sẽ nhận ra sự thay đổi trong một lần nào đó khi trở lại. Nhưng ngay cả lúc này đây, tôi vẫn biết là mình còn chưa có thời gian đủ nhiều để biết kỹ hơn về Cần Giờ, để tới Đầm Sát, khu Đầm Dơi, đảo Thạnh An, Thiềng Liềng hay chỉ làm một chuyến du ngoạn trên sông Lòng Tàu… với nhiều lắm những thương mến.
Bài, ảnh: HẠNH NHI