Tại Thừa Thiên Huế, các chương trình, chính sách, dự án dành cho vùng DT&MN được triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc, tích cực và cơ bản bảo đảm kế hoạch với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng. Điều đó khiến không ít người trong số đồng bào vùng DT&MN vốn quen sống tự ty, mặc cảm và trông chờ, ỷ lại nay thỏa sức vươn mình trong làn gió mới tràn đầy sinh khí, trở thành nhân vật chủ đạo trong bức tranh nông thôn với những gam màu ngày càng bừng sáng.

Mặc dù vậy, vùng DT&MN trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, do việc xây dựng chính sách cho vùng này chưa xác định tầm nhìn chiến lược.
 
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng DT&MN vừa được Ủy ban Dân tộc tổ chức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, cho rằng: tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch đồng bộ và thống nhất. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn vùng DT&MN đối với một số định hướng lớn trong thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới theo các nghị quyết, quyết định của T.Ư, các cấp, các ngành và địa phương tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn lực đầu tư; đồng thời, điều chỉnh lại cơ chế quản lý theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu và dài hạn. Tương tự, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Võ Văn Dự cũng thừa nhận, tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án tại Thừa Thiên Huế năm qua còn chậm so với kế hoạch. Nguồn vốn từ tỉnh về huyện và đến xã nhiều lúc chưa kịp thời và nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng. Công tác lồng ghép các nguồn vốn chưa thực sự hiệu quả, còn hiện tượng mạnh ai nấy làm, chính sách nào thì cơ chế đó nên dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
 
Thiết nghĩ, nhằm giảm nhanh hộ nghèo theo hướng nhanh và bền vững, sắp đến, qua kết quả công tác thực tiễn nếu phát hiện những khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Dân tộc cũng như Ban Dân tộc tỉnh nghiên cứu, rà soát các chính sách dân tộc đang triển khai thực hiện để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số chính sách không còn phát huy hiệu quả nhằm xây dựng chính sách thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội vùng DT&MN. Một trong những giải pháp chủ yếu mà Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh lưu ý là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các bộ, các ngành và địa phương về chủ trương, quan điểm và những định hướng lớn về chính sách kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách dân tộc và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở bảo đảm cho mọi người dân đều hiểu, nắm được chính sách dân tộc để từ đó tham gia vào quá trình quản lý xã hội ở địa phương một cách tự giác nhằm thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc.
Vĩnh Cự