Mạnh ai nấy đi
Cảnh lấn đường thường thấy của người tham gia giao thông mỗi khi có tàu qua tại nút giao đường Điện Biên Phủ với đường sắt |
Nhiều người lưu thông trên đường Điên Biên Phủ tỏ ra bực mình khi phải mất hàng chục phút dưới trời nắng nóng mới nhích qua được nút giao với đường sắt khi có tàu qua. Nguyên nhân là thời gian gần đây, đoạn đường này được ngành chức năng cho phương tiện lưu thông hai chiều. Trong khi đường Phan Bội Châu nằm song song cạnh đó tạm ngưng lưu thông để phuc vụ công trình dự án cải thiện môi trường nước. Thế là tất cả phương tiện đều đổ dồn vào đường Điện Biên Phủ.
Vào giờ tan tầm, khi chuẩn bị có tàu chay qua, hoặc tàu đổi toa, nhân viên gác chắn tiến hành đóng barie lại, người điều khiển phương tiện mạnh ai nấy dừng, chen lấn lên phía trước và tràn qua hết phần đường chiều ngược lại. Tàu qua, tấm barie được kéo sang một bên cũng là lúc mọi người cố chen lấn, nhích lên phía trước gây nên cảnh “xung đột” giao thông.
Chưa hết, do đậu đỗ không đúng quy định khi có tàu qua nên xe cộ nối đuôi nhau kéo dài lên cầu Nam Giao. Trong khi đó, nút giao với đường Phan Chu Trinh cạnh đó có một lượng xe cộ trờ tới gây cảnh cảnh ùn tắc. Phải mất rất nhiều thời gian, các phương tiện mới thoát ra được “điểm nghẽn” này mỗi lúc tàu lửa đi qua.
Chứng kiến cảnh chen lấn rồi chửi rủa lẫn nhau, người đi đường không khỏi ngán ngẩm. Bởi, mỗi người chỉ cần hành xử có văn hóa khi tham gia giao thông, đi trước dừng trước, đi sau dừng sau theo thứ tự thì có lẽ không xảy ra sự việc này.
Ngã ba trước đàn Nam Giao chưa có đảo giao thông nên phương tiện qua đây chạy rất lộn xộn, nguy cơ tai nạn giao thông |
Ngoài ra, tại ngã ba trước đàn Nam Giao, trước đây đơn vị quản lý đường bộ có tổ chức kẻ đường phân luồng, cắm biển báo giao nhau với đường ưu tiên. Nhưng đến nay, những vạch kẻ không còn, các phương tiện tham gia giao thông không chạy theo quy luật nào nên vô tư rẽ trái, rẽ phải, lấn đường. Anh Nguyễn Văn Tiến, nhà ở cạnh đó cho biết, ngã ba rộng lớn nhưng không có “bùng binh” nên phương tiện chạy qua đây rất nguy hiểm, nhất là xe tải, xe ben. Đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở ngã ba này, trong đó có vụ chết người.
Tại nút giao với đường Sư Liễu Quán, do không có biển cảnh báo và gờ giảm tốc nên phương tiện qua đây thường xảy ra va chạm do không nhường đường. Anh Hùng, một người bán quầy tạp hóa cạnh ngã ba này cho biết, phương tiện lưu thông qua nút giao thông này rất lộn xộn. Đã có nhiều vụ va chạm xảy ra ở đây do hạ tầng giao thông chưa hợp lý.
Cần phân luồng, bố trí hợp lý hơn
Từ khi đường Phan Bội Châu thi công công trình dự án cải thiện môi trường nước, đường Điện Biên Phủ luôn ở tình trạng "quá tải" |
Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, qua khảo sát tuyến đường Điên Biên Phủ thấy nổi lên tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm tại nút giao với đường sắt do lưu lượng phương tiện tăng đột biến sau khi đóng đường Phan Bội Châu. Một nguyên nhân nữa là người tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật về giao thông, dừng xe lấn đường khi chờ tàu.
“Chúng tôi cũng đã đề xuất đơn vi quản lý giao thông lắp đặt dãy cọc phân cách mềm ngay giữa tim đường (giống đường Trần Phú- PV) nhằm phân luồng giao thông, không cho phương tiện lấn tuyến nhưng chưa có sự hồi đáp. Trước mắt, chúng tôi sẽ cử lực lượng ứng trực tại điểm này nhằm hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng quy định. Đồng thời, sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình lấn đường bên trái, gây cản trở giao thông”- Trung tá Đặng Phúc Xuân khẳng đinh.
Về bấp cập tại ngã ba trước đàn Nam Giao, Công an TP. Huế sẽ kiến nghị đơn vị quản lý giao thông kẻ lại vòng xuyến phân luồng giao thông hợp lý. Về lâu dài, cần phải bố trí tại điểm này một vòng xuyến (đảo giao thông) để các phương tiện qua đây được thuận tiện hơn và tránh xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Đồng thời, đề xuất lắp đặt thêm biển báo, gờ giảm tốc tại những tuyến giao nhau với đường Điện Biên Phủ, biển cấm dừng - đỗ tại những điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Bùi Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế cho biết, qua khảo sát và tiếp nhận ý kiến người dân, chúng tôi có nhận được sự phản ánh về những bất cập trên đường Điện Biên Phủ. Đối với việc lắp đặt giải phân cách mềm ở nút giao với đường sắt và làm đảo giao thông ở ngã 3 trước đàn Nam Giao, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh và UBND TP. Huế các giải pháp và kinh phí.
“Tới đây, chúng tôi sẽ cùng với các ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát lại để bổ sung hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống biển báo, tín hiệu, gờ giảm tốc… cho tuyến đường này, hướng đến xây dựng đường Điện Biên Phủ thành con đường kiểu mẫu”- ông Bùi Xuân Chiến thông tin.
Bài, ảnh: Thái Bình