Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu/ Còn mưa xuống như hôm nào/ Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên/…Này em đã khóc trời mưa đỉnh cao/ Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu/ Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau… Đây là một đoạn ca từ trong nhạc phẩm Mưa hồng, được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1964 * và đã nhanh chóng đi vào lòng người, nhất là với những người trẻ, những người đang yêu. Cũng xuất phát từ nhạc phẩm này mà giới trẻ ở Huế hay nói với nhau về con đường có tên là đường phượng bay và đều nhất trí với nhau rằng đó là con đường đẹp nhất, con đường lãng mạn nhất của Huế, cho dù nhiều người… chưa hề biết chính xác con đường ấy nằm ở đâu nơi Huế!??


Đường Đoàn Thị Điểm...

Ca sỹ Khánh Ly, người gắn liền và thể hiện thành công nhất những ca khúc của nhạc sỹ họ Trịnh, trong tâm tình của mình về nhạc phẩm Mưa hồng đã thủ thỉ “chết người” về con đường này: “…Thật là tuyệt vời bởi vì chúng ta khó có thể tìm ở đâu được hàng cây 2 bên đường giao nhau như 2 người tình đang cúi đầu lại thật gần nhau, đó là những hàng cây phượng vĩ, và bóng những người con gái khi tan trường về thì đi giữa những hàng cây đó, một cơn gió mạnh thổi đến và hoa phượng đã rơi, đã bay như lấp lối, như ngăn chân người con trai đang đứng ngó theo bóng dáng của những người con gái xinh đẹp đi học về. Đường phượng bay mù không lối vào…hàng cây lá xanh gần với nhau…”. Nhưng cả trong tâm tình của mình, Khánh Ly cũng không tiết lộ cho ai biết “tung tích” của đường phượng bay…  

Và rồi, sau rất nhiều “điều tra thám sát”, và kể cả…đoán mò, thiên hạ nhất trí và khẳng định như đinh đóng cột rằng: Đường phượng bay chính là đường Đoàn Thị Điểm ngày nay. Đó là con đường men dọc bờ thành bên trái của Đại Nội Huế, song song với đường Đinh Tiên Hoàng dẫn từ cửa Thượng Tứ vào thẳng đồn Mang Cá và cắt ngang các con đường Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Du, Hàn Thuyên, Mai Thúc Loan…
 
Thậm chí trong Bách khoa toàn thư Wikipedia còn có riêng một bài viết về đường Phượng bay ở Huế rất “tọ vẹ”: “… Đường phượng bay là tên gọi khác của đường Đoàn Thị Điểm nằm bên cạnh khu vực hoàng thành của kinh đô Huế. Xuất phát từ ca từ trong bài hát Mưa hồng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây thắm xanh gần với nhau…, người dân xứ Huế và những người yêu Huế đều cảm nhận nét trữ tình rất riêng biệt của con đường này…sự trầm mặc của dấu tích, nét thâm trầm đặc trưng của cố đô khiến con đường trở nên vô cùng thơ mộng. Con đường ngắn, ít dân cư sinh sống nhưng màu xanh mướt của cây cối rất phù hợp với lối sống nhàn tản, thích đi bộ, tư lự, trầm ngâm của người dân xứ Huế. Mùa đông ấm áp, mùa hè rực rỡ không chỉ riêng có màu đỏ của sắc phượng bay mà còn vàng dịu nhẹ của hoa điệp, màu tím thanh tao của những bông hoa bằng lăng ….Đường phượng bay là một trong những con đường đẹp ở Huế, gợi nhiều cảm hứng cho thi ca, âm nhạc, hội hoạ…”.
 
Bản thân chúng tôi cũng vậy, vẫn đinh ninh đường Đoàn Thị Điểm chính là con đường phượng bay trong Mưa hồng của Trịnh. Nhưng thú thực, cứ mỗi bận qua về đường này, mối băn khoăn trong tôi thi thoảng lại gợn lên, bởi lẽ con đường này…không có phượng. Hay nói chính xác hơn là chỉ có lác đác vài bốn cây chi đó. Còn thì là muối, là điệp…Răng lại có thể gọi là đường phượng bay được?
 

Và tên mà nhiều người đã gọi: đường Phượng bay
 
Một bận ngồi chuyện vãn với ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế. Không ngờ ông cũng cùng…tâm trạng giống tôi. Học trường Hàm Nghi (Xưa là Quốc tử giám, nay là nơi đặt Bảo tàng cách mạng T.T.Huế) từ đệ thất cho đến đệ tứ (tương đương lớp 6 đến lớp 9 bây giờ) trong khoảng thời gian từ 1965-1969, ông Ngôn nhớ mồn một đường Đoàn Thị Điểm là con đường chỉ trồng toàn cây muối (còn có tên là cây nhội). Những tiết học được nghỉ hay giờ ra chơi, ông và nhiều người bạn vẫn thường lang thang trên con đường này. Cắt vuông góc với đường Đoàn Thị Điểm là đường Tống Duy Tân (nay đã bị bịt lối) trồng toàn cây mù u. Còn phượng chỉ có dăm ba cây được trồng dọc bờ thành trường Hàm Nghi mé đường Đoàn Thị Điểm.
 
Cho đến hiện tại, trên đường Đoàn Thị Điểm vẫn còn đến 126 cây muối, trong đó hàng chục cây có tuổi 45-50 năm. Mấy cây phượng ở góc trường Hàm Nghi cũ vẫn còn. Vậy thôi. 22 cây phượng đỏ, 47 cây phượng vàng bây giờ trên tuyến đường này là số cây mới được trồng dặm sau này thay chỗ cho những cây muối bị chết do quá già cỗi hoặc bị gãy đổ do mưa bão. Cho nên, nếu nói đường Đoàn Thị Điểm là đường phượng bay thì có vẻ không thuyết phục, dù rằng, đây đúng là một con đường đẹp, rất đẹp của Huế.
 
Cũng có một bài viết trên một tờ báo lớn dẫn lời một người con gái tên A. ở “bên tê” sông An Cựu, “đêm đêm trốn nhà sang Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn”. Rồi sau đó tiễn về, Trịnh đưa chị đi theo con đường bên kia sông “có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường phượng bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị…”. Con đường bên kia sông (An Cựu) có lẽ, người con gái tân A muốn nói đến đường Phan Đình Phùng. Trong trí nhớ của nhiều người, đường này có phượng, nhưng cũng chỉ là một số cây chứ không thể là “2 hàng phượng chụm đầu vào nhau”; còn theo trong hồ sơ cây xanh thì đây là con đường trồng toàn muồng Xiêm. Và bây giờ, Huế cũng đã cho phục hồi cây muồng Xiêm trên tuyến đường này.
 
Vậy, con đường nào đích xác là đường phượng bay đã tạo cảm hứng cho Trịnh nhạc sỹ viết nên Mưa hồng? Rà cả 2 bờ bắc-nam sông Hương, và rà… từ xưa cho đến nay, chỉ riêng có đường Lê Duẩn là con đường duy nhất chỉ được trồng toàn phượng vĩ. Con đường này chỉ mới được mở rộng, nâng cấp gần đây do nằm trên tuyến QL IA đi qua thành phố Huế. Còn trước kia, nó chỉ là một con đường nhỏ chạy dọc bờ bắc sông Hương, có tên đường Trịnh Minh Thế, kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ. Nhiều người lý giải, thuở ấy không có xe lớn, lưu lượng xe cộ cũng thưa thớt, cho nên phượng mặc sức toả bóng mà không bị chặt tỉa. Đường hẹp, đôi hàng cây như tình nhân chụm đầu vào nhau. Một cơn gió thoảng, lá phượng rủ nhau rơi lả tả như mưa, đẹp mê hồn…
 
Ông Phan Đình Ngôn quả quyết, đó mới chính là đường phượng bay của Trịnh. Hơn nữa, nếu không nhầm thì chính ông từng nghe nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong một chương trình phỏng vấn của đài truyền hình Huế đã trả lời về đường phượng bay, đại ý nhạc sỹ nói “ đường phượng bay trong Mưa hồng đó là con đường từ An Hoà đi vô, có đôi hàng phượng với những cành cây rủ xuống, lá bay đầy…”.
 
Điều này không chỉ có mình ông Ngôn mà một số người quen biết chúng tôi cũng xác tín. Đường từ An Hoà vô Huế mà lại có đôi hàng phượng thì không có con đường nào khác đường Lê Duẩn bây giờ. Tiếc là dù đã cố gắng, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện tìm lại được đoạn băng trên nên mới phải mạo muội làm mất thì giờ độc giả…
 
Trong Huế - Tên đường phố xưa & nay của Dương Phước Thu khi nói về đường Lê Duẩn (trang 174-NXB Thuận Hoá, 2004) có đoạn “ Đoạn đường từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn thường quen gọi là đường phượng bay. Nhà thơ Anh Phan năm nay đã quá tuổi cổ lai hy minh chứng cho điều này từ năm 1966 qua bài thơ Con đường phượng bay…: Con đường phượng bay nằm dọc bờ bắc sông Hương/ Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ / Đi trên con đường phượng bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ…” Phải chăng, đây cũng là một dữ liệu nữa góp phần khẳng định đường Lê Duẩn chính là đường phượng bay? Tuy nhiên, cũng trong Huế-Tên đưòng phố xưa & nay, khi nói về đường Đoàn Thị Điểm, Dương Phước Thu lại cũng cho rằng “nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gọi đó là con đường phượng bay”.
 
Đường Lê Duẩn - Huế bây giờ đã được mở rộng, nhưng vẫn được trồng toàn phượng vĩ. Trên tuyến đường này hiện chỉ có 3 cây bằng lăng, 2 cây xà cử, 1 cây bồ đề và 1 cây muối, còn lại toàn là phượng. Có đến 252 cây phượng ở đây, trong đó nhiều cây có đường kính gốc từ 0,6-1m, tuổi đời đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ đứng trầm mặc như chứng nhân tình yêu một thuở. Đó là chưa kể số cây đã bị đốn hạ do mở đường và khoảng 30 cây khác đã bị gãy đổ do các trận bão tràn qua Huế. Hè về, cả con đường bừng lên sắc đỏ, đẹp đến nao lòng. Trung tâm CVCX Huế cũng đã và đang cho chỉnh trang lại hệ thống công viên dọc hai bên để con đường vẫn mãi nên thơ như hoài niệm. Còn đường Đoàn Thị Điểm, do mưa bão và thời gian, một số cây muối đã bị ngã đổ, bị chết và ngành CVCX trước kia đã thay bằng điệp vàng, bằng lăng… Trong quy hoạch, đường sẽ được phục hồi toàn cây muối như xưa và vẫn sẽ là một tuyến đường lãng mạn nhất nhì của Huế. Trung tâm CVCX Huế cũng đang tìm thêm một số tuyến đường để trồng phượng. Và người Huế thì vẫn mong ngày sẽ có thêm nhiều những con đường thật đẹp để Huế mãi là nguồn cảm hứng cho văn nhân thi sỹ làm nên những tuyệt phẩm dâng tặng cho đời…
 
Diên Thống
 
* Theo Thư mục ca khúc Phạm Văn Đỉnh. Còn theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, trong quá trình làm cuốn Huế - Tên đường phố xưa và nay, ông đã tiếp xúc với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và đượcnhà văn cho biết, Mưa hồng được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1973.