Năm 2012, theo đề nghị của Hội LHPN Quảng Thành và một số ngành liên quan, UBND huyện Quảng Điền có công văn đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý cho phép Hội LHPN xã sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Chả da Quảng Thành”. Theo chị Nguyễn Thị Dạ Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã, việc đăng ký nhãn hiệu đang bắt đầu và dù mất nhiều thời gian, nhưng trong năm 2013 Hội sẽ quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của quê hương, góp phần tạo dựng uy tín, đưa sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường; đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho một số phụ nữ ở địa phương.

Nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý

Chị Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm, trước đó, một số tổ chức Hội LHPN trên địa bàn tỉnh cũng rất mạnh dạn vận động chị em xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hoá ở cơ sở mình sản suất, nhờ vậy mới có những thương hiệu “Nước mắm Đảnh Vân”, “Nón lá Mỹ Lam”... Qua tìm hiểu của chúng tôi, một vài cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ cũng tự nghiên cứu, triển khai đăng ký xây dựng thương hiệu và kết quả là công tác quảng bá, chất lượng sản phẩm hàng hoá, doanh thu của họ của ngày càng tốt hơn, số lao động nữ được giải quyết việc làm tăng lên...

Hiện có không ít phụ nữ đang đeo đuổi ngành nghề truyền thống ở các địa phương. Dưới bàn tay khéo léo của các chị, không ít sản phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến thực phẩm được nhiều người đón nhận. Vì vậy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cấp Hội phụ nữ bên cạnh tạo điều kiện về nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật cần quan tâm thêm đến việc hướng dẫn xây dựng thương hiệu ở một số ngành nghề mà nhiều phụ nữ đang gắn bó và được xã hội đón nhận.

BT