Thông tin từ chương trình định hướng truyền thông về dân số và phát triển (giai đoạn 2016 đến 2020) được BS Mai Xuân Phương, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay: Sau nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách về dân số, Việt Nam đã thoát khỏi nguy cơ bùng nổ dân số.
Đến nay, trên cả nước có khoảng 91 triệu dân, tốc độ tăng dân số đang chậm lại nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Với quy mô dân số hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đông dân thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, thứ 8 ở Châu Á và thứ 14 trên toàn thế giới.
Từ năm 2011 dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% trên tổng số dân. Ước tính năm 2032 tỷ lệ này sẽ chạm ngưỡng 20%. Trong khi các nước phát triển phải trải qua cả thế kỷ để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già thì quá trình này tại Việt Nam diễn ra trong khoảng thời gian 2 thập niên. Điều này sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về lực lượng lao động trong tương lai, các vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Bên cạnh tình trạng già hóa dân số là thực trạng nữ hóa dân số cao tuổi. Nếu tỷ lệ bé trai khi sinh ra luôn nhiều hơn bé gái thì đến giai đoạn cao tuổi tình trạng trên lại đảo ngược. Cơ cấu dân số ở nhóm tuổi ngoài 60 thì cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ là 1,5 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 80 cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ 2 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 85 thì 1 cụ ông sẽ tương ứng với tỷ lệ 2,5 cụ bà.
Điều đó cho thấy, tuổi thọ của nam giới tại Việt Nam thấp hơn so với nữ giới. Nguyên nhân được nhận định là do những tác động từ cuộc sống còn nhiều khó khăn, khi còn trẻ nam giới thường phải làm những công việc nặng nhọc song cũng phải kể đến tình trạng nam giới lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích cũng như lối sống thiếu lành mạnh đang ảnh hưởng đến tuổi thọ của giới này.
Theo Dân trí