Dưới bóng xanh Thủy Biều

Những tiêu chí... sạch

Chúng tôi đến nhà vườn Xuân Đài vào một sáng cuối hè, khi địa chỉ du lịch này chuẩn bị đón hai đoàn khách. Một đoàn lẻ với hai khách đến từ Úc và một đoàn khác gần 15 sinh viên gồm nhiều quốc tịch.

Trên khoảnh sân rộng và mát, con trai ông Đài, anh Hồ Xuân Việt Nam cẩn thận lau chùi những chiếc xe đạp được xịt rửa sạch bóng. Những chiếc xe đạp là phương tiện để du khách tham quan vườn thanh trà ở Thủy Biều đang vào vụ. Trong căn bếp nhỏ sạch sẽ, vợ ông Đài cùng hai phụ nữ lớn tuổi chuẩn bị bữa ăn trưa cho khách. Nguyên liệu được hái từ vườn nhà, với những món ăn dân dã như vả trộn, cá kho, nem rán...

Trước khi dùng, du khách đều được ông Hồ Xuân Đài giới thiệu kỹ về các món ăn

“Hello!Hello!...”. Từ ngoài ngõ vang lên tiếng chào reo vui của mấy vị khách. Ông Đài cũng vồn vã ra tận ngõ đón, ân cần mời khách vào nhà. Trong ngôi nhà rường hơn 150 tuổi còn giữ nguyên nét cổ kính, chủ nhà  mời khách dùng trà và mứt thanh trà. Câu chuyện giữa chủ và khách qua thông ngôn của hướng dẫn viên rôm rả như người một làng. Rồi ông Đài dẫn khách tham quan khu vườn rộng hơn 1000 mét vuông với hơn 20 loại cây trái đặc sản của Huế, xen lẫn giữa những cây thanh trà cổ thụ trĩu quả .

Trước khi vào bữa  ăn trưa được bày dưới bóng râm của cây măng cụt, khách được ngâm chân trong những chiếc chậu gỗ với hương liệu sả, lá chanh, gừng…

Tranh thủ lúc khách dùng cơm, ông Đài cho hay, ban đầu mỗi tháng, dịch vụ du lịch nhà vườn của ông chỉ đón chừng vài chục khách. Nay con số ấy đã tăng lên, có  khi đạt vài trăm khách mỗi tháng. 

Về bí quyết làm du lịch nhà vườn, ông Đài chân tình: “Không có gì khó lắm. Mình có gì thì bày ra nấy. Cốt là ở sự chân tình, không làm màu, làm mè, không hoa mỹ. Đó là làm du lịch sạch. Nhà sạch, vườn sạch, rau sạch, làng sạch, người sạch”, ông Đài lý giải một cách dí dỏm.

Tiềm năng còn nhiều

Hồ Xuân Việt Nam là con út trong số 8 người con của ông Đài. Đang học năm 3 Đại học Kinh tế Huế thì anh quyết định rời giảng đường, ở nhà cùng ba, mẹ khởi nghiệp. “Những dịch vụ hiện tại ở nhà vườn Xuân Đài chỉ mới khởi đầu. Thủy Biều còn nhiều cái để làm lắm”, Nam thổ lộ.

Ngoài đưa khách đạp xe trải nghiệm làng quê, thăm các di tích lịch sử, văn hóa như đình làng Lương Quán, Hổ quyền, điện Voi ré, trải nghiệm nghề làm hương… Nam đang xây dựng thêm dịch vụ mới ở nhà vườn Xuân Đài là đón khách lưu trú với hợp đồng ký kết cùng một hãng lữ hành nước ngoài.

Cảnh quan, môi trường ở Thủy Biều rất thuận lợi để phát triển du lịch sạch

Trước nhiều dự định ấp ủ của Nam và gia đình, khu vườn hiện xem ra không đủ  cho những ý tưởng. “Em muốn liên kết với nhà dân liền kề để cùng làm du lịch, tạo nên chuỗi sản phẩm nhưng mọi người còn ngại, chưa dám nhập cuộc. Đó là  điều khó nhất để phát triển du lịch cộng đồng ở Thủy Biều”, Nam trăn trở.

Theo ông Đài, hiện, thu nhập từ du lịch nhà vườn của gia  đình ông chưa phải là nhiều. Nhưng điều ông mong mỏi là cách làm của Nhà vườn Xuân Đài sẽ như một hạt nhân, dần lan tỏa, kết nối để xây dựng làng vườn Lương Quán, Nguyệt Biều thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Người đàn ông đã bước qua tuổi 75 ấy nghĩ, gia sản quý nhất của Thủy Biều là vườn tược, cây trái và người dân thật thà chân chất. Chỉ có làm du lịch cộng đồng đúng hướng mới giữ được làng, được vườn một cách bền vững với tiêu chí sạch, sẽ là thương hiệu du lịch cho Thủy Biều.

Ông Đài cũng lo rằng, nếu không có hướng đi đúng, việc phát triển du lịch một cách tự phát cũng có thể phá vỡ vẻ đẹp nguyên sơ của làng cổ. Đó cũng là lý do mà chủ nhân nhà vườn Xuân Đài đã từ chối lời đề nghị được thuê lại khu nhà vườn này để làm du lịch với giá 30 triệu đồng mỗi tháng từ một doanh nghiệp.

Và bài toán liên kết

Nói về thế mạnh du lịch của Thủy Biều, ông Võ Đăng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường khẳng định: Thủy Biều là nơi còn giữ được những làng vườn đặc trưng với đặc sản thanh trà, đậm  chất nông thôn và người dân sống hiền hòa, hiếu khách. Với không gian xanh mát, sạch đẹp mà lại gần trung tâm thành phố nên gần đây, Thủy Biều được du khách tìm đến nhiều. Hiện, trên địa bàn có 3 dự án du lịch của các doanh nghiệp, hình thành ba khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Người dân bắt đầu làm du lịch cộng đồng với 4 hộ nhà vườn tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Thái, sự phát triển du lịch tại Thủy Biều  còn chậm do hạ tầng  hạn chế, vướng quy hoạch, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn và tâm lý e dè của người dân. “Con đường chính Bùi Thị Xuân dẫn vào Thủy Biều đã xuống cấp từ lâu và nhỏ  hẹp. Riêng cầu Long Thọ dẫn vào phường chỉ có tải trọng 10 tấn. Hạ tầng yếu nên xe du lịch vào rất khó. Chỉ cách nhà dân, khu du lịch vài trăm mét nhưng phải trung chuyển bằng ta-xi, xe máy...”, ông Thái lý giải khó khăn về hạ tầng.

Anh Nguyễn Hải Thanh, hướng dẫn viên thường đưa khách đến tham quan Thủy Biều cho rằng, ngoài lợi thế nhà vườn, sản phẩm du lịch ở Thủy Biều còn đơn điệu, thiếu dịch vụ bổ trợ. “Nếu về lâu dài, không có gì khác ngoài đạp xe vãn cảnh, ăn trưa tại nhà dân, học nấu ăn và tham quan một vài di tích ở địa phương thì du khách sẽ chán’’, hướng dẫn viên này bày tỏ.

Về việc cần thêm sản phẩm bổ trợ, lãnh đạo phường Thủy Biều cho hay, một số hãng du lịch cũng đến nghiên cứu, tìm hiểu để có thêm dịch vụ khác nhưng cái khó là một phần, người dân chưa mặn mà và thủ tục liên quan đến quy hoạch đất sản xuất, khi chuyển đổi mục đích sử dụng còn vướng.

Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng, sự vào cuộc của người dân, thu hút đầu tư... điều lãnh đạo phường Thủy Biều lo nhất là sự liên kết trong phát triển du lịch. Hiện, việc khai thác du lịch ở địa phương còn rời rạc. “Du lịch ở Thủy Biều không thể tách rời cộng đồng, tách rời văn hóa nhà vườn lâu năm ở đây nên cần có sự liên kết giữa người dân với người dân, giữa người dân với doanh nghiệp để tạo chuỗi sản phẩm. Nếu không có sự liên kết đễ hỗ  trợ nhau thì sản phẩm sẽ chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến những hệ lụy do tự phát”, Phó Chủ tịch UBND phường Võ Danh Thái lo lắng.

Tiềm năng sẵn có. Hướng phát triển du lịch cũng đã manh nha. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sạch, gắn với vườn cây ăn quả,  môi trường thiên nhiên, văn hóa thuần nông ở Thủy Biều một cách bền vững, hài hòa như thế nào thì vẫn chưa có hướng giải.

Theo ông Thái, lãnh đạo phường Thủy Biều nhiều lần kiến nghị tỉnh cần có chủ trương, chính sách bảo tồn nhà vườn ở Nguyệt Biều, Lương Quán, hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng. Bởi nếu không sớm có chính sách bảo hộ và định hướng phát triển hợp lý, khi giá đất tăng lên, việc giữ những khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông còn nguyên sơ ở đây trước nhu cầu chuyển nhượng, tách thửa, bê tông hóa là điều khó tránh khỏi.

Và nói như ông Thái, vườn là linh hồn của Thủy Biều. Nếu không giữ được vườn, đặc sản du lịch sạch ở đây cũng khó tồn tại lâu dài.

KIM OANH