Nông dân Phong Điền đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Sản xuất còn nhỏ lẻ

Trồng khoảng 10 sào (5.000m2) lúa ở 4 thửa ruộng khác nhau, gia đình bà Nguyễn Thị Thi, thôn Lương Mai, xã Phong Chương (Phong Điền) khá vất vả trong việc gieo cấy, bơm thuốc, làm cỏ và chi phí thu hoạch.

“Rất nhiều hộ phải trồng trọt trên từng soi ruộng nhỏ. Một số hộ linh động chuyển đổi diện tích cho nhau theo từng năm để giảm số thửa, dễ gieo trồng cùng loại giống và giảm thời gian, chi phí công lao động nhưng không nhiều, phần đông bà con vẫn phải canh tác trên từng thửa nhỏ chỉ 5 đến 10 thước (1 thước tương đương khoảng 33m2) nằm cách xa nhau nên rất khó làm”-bà Thi trò chuyện.

Ông Nguyễn Tam, Phó Giám đốc HTX NN Lương Mai, xã Phong Chương cho rằng, chỉ cần chia lại 1 thửa ruộng khoảng 2- 3 sào không thôi là bà con nông dân đỡ khổ, có thể đầu tư giống tốt, ít tốn công chăm sóc và dễ cho việc hợp đồng thu hoạch, vận chuyển lúa.

Không riêng vựa lúa của xã Phong Chương mà nhiều nơi trên địa bàn huyện Phong Điền, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, phân tán đang gây khó khăn cho người nông dân cũng như chính quyền địa phương trong việc hình thành và phát triển những vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung.

Ngay việc muốn sử dụng máy móc như máy cày, máy gieo sạ, áp dụng biện pháp bảo vệ thực vật, thú y đại trà như phun thuốc, bón phân, tưới tiêu, đầu tư hạ tầng kênh mương, đê bao nội đồng cũng gặp khó khăn do diện tích ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ.

Tỷ lệ nông hộ tự trang bị các phương tiện máy móc trên địa bàn huyện còn thấp, đa số đi thuê mướn các phương tiện như máy cày đất 79,17%, thuê máy gặt liên hợp 81,67%.

Tương tự nhiều nơi khác, bình quân mỗi hộ sử dụng đất lúa nước ở xã Điền Lộc có 4,5 thửa, với diện tích nhỏ nhất 605m2/thửa, lớn nhất 1.104m2/thửa. Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân, Điền Lộc đã hoàn thành phương án DĐĐT đất trồng lúa nước và giao đất thực địa cho người dân. Đây là địa phương đầu tiên thực hiện đề án DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phong Điền giai đoạn 2017- 2025.

Nông dân xã Phong Hiền phát triển lúa giống chất lượng

Mỗi vùng một sản phẩm chủ lực

Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc phấn khởi, chủ trương này rất được người dân đồng thuận. Thay vì trước đây trồng trên 5 thửa ruộng cách xa nhau, bà con phải lặn lội gieo 5 loại giống, bơm nhiều loại thuốc, chi phí máy gặt, máy chuyên chở cao hơn, thì chắc chắn sau khi DĐĐT, những chi phí này sẽ giảm nhiều. Kết quả sau DĐĐT, mỗi hộ sản xuất  giảm bình quân từ 4,5 thửa xuống còn 1,35 thửa và tăng bình quân từ 1.015m2/thửa lên 3.291m2/thửa.

Chính quyền địa phương vận động người dân liên kết tạo vùng chuyên canh cây lúa, hình thành 6 cánh đồng sản xuất tập trung, như: vùng ruộng Ô Đông Hòa Xuân, Ô Tây Hòa Xuân, Mụ Bà- Cồn Nỗi, Nội Điền, Đạt Bắc- Đạt Nam, Đông Đàn- Cửu Câu với diện tích mỗi vùng từ 20- 25ha.

Để giải quyết khó khăn cho những hộ bốc trúng những diện tích sâu, trũng, xã ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, tránh tình trạng ngập úng, rủi ro trong sản xuất cho những vùng ruộng này. Hệ thống giao thông nội đồng cũng sẽ được quy hoạch lại cho phù hợp với đồng ruộng sau DĐĐT.

Ông Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Phong Điền thông tin, hiện nay, một số địa phương như Điền Hòa, Phong Hiền… đang xây dựng phương án DĐĐT để xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung. Phấn đấu mỗi hộ sau DĐĐT chỉ còn 1-2 thửa ruộng hoặc nhóm hộ chung nhau một thửa ruộng sản xuất cùng loại cây trồng hoặc vật nuôi với khối lượng lớn theo tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Phòng TNMT phối hợp với các địa phương xây dựng phương án phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch trên cơ sở lấy ý kiến của Nhân dân về phương án; tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích khi tham gia thực hiện DĐĐT.

Để thực hiện thành công sản xuất lúa hữu cơ trên 2.000ha ở 6 xã: Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa theo quy hoạch đến năm 2020, trước tiên phải có những cánh đồng mẫu lớn, bề mặt địa hình đồng ruộng được san lấp bằng phẳng và hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi đồng bộ. Để hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa, Phong Hiền theo quy hoạch, những địa phương này phải dồn điền để có diện tích đất đủ rộng, liền mạch, dễ đầu tư máy móc, công nghệ khoa học kỹ thuật đồng bộ.

Để hình thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng như ném Điền Môn, Điền Hương; lạc Phong Sơn; rau Điền Lộc, Điền Hòa; thanh trà Phong Thu, thị trấn Phong Điền; rừng Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn; tôm Phong Hải…, việc thúc đẩy tập trung ruộng đất thành các cánh đồng lớn càng rất cần thiết.

Phong Điền có tổng diện tích phần đất liền rộng hơn 94.822ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 80.512ha, gồm đất sản xuất nông nghiệp hơn 12.873ha, đất lâm nghiệp hơn 66.353ha và đất nông nghiệp khác hơn 273ha. Hiện trạng đất trồng cây nông nghiệp hàng năm có 116.024 thửa đất, trung bình 762,8m2/thửa; trong đó đất trồng lúa nước là 84.176 thửa, trung bình 696,3m2/thửa. Đất trồng cây lâu năm là 6.763 thửa, trung bình 2.676,9m2/thửa. Tổng số hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 13.490 hộ.

Bài, ảnh: Hoài Thương