Cuối tháng 8, tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mỗi ngày lại nhận được thêm nhiều bài dự thi được lựa chọn từ hàng trăm bài viết của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng tuyến núi, tuyến biển gửi đến.

BĐBP Đồn A Đớt thăm hỏi dân bản Ka Lô (Lào)

Là một sĩ quan chỉ huy từng nhiều năm bám trụ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Hương Nguyên (A Lưới), từng nhường cơm cho dân bạn trong quá trình hành quân công tác, từng qua bản Sê Sáp (Lào) làm nhà hữu nghị cho dân bản bạn, Thiếu tá Phùng Chí Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) chọn chủ đề “Tại sao hai dân tộc Việt Nam - Lào phải yêu thương, gắn bó chặt chẽ với nhau” để “lý giải” vốn hiểu biết và xúc cảm cất giữ, bồi đắp trong lòng. “Ngày đó, chúng tôi mỗi người một ba lô vượt núi, xuyên rừng, kết bè qua sông để đến đất bạn phối hợp công tác, nắm tình hình, bảo vệ chủ quyền hai bên biên giới. Chuyến hành quân có khi kéo dài từ mười ngày đến nửa tháng. Gặp người dân Lào di cư đến vùng đất mới (vị trí thuận tiện hơn, như bản Sê Sáp bây giờ), chúng tôi chia sẻ phần cơm nắm cho trẻ em, người già. Đáp lại là những ánh mắt xúc động. Tình cảm đó khiến chúng tôi vững lòng, vượt suối, vượt đường gồ ghề lầy lội, mang vác vật liệu qua xây nhà cho dân bản mới. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu, tình cảm của BĐBP, Nhân dân Việt Nam với dân bản bạn, Nhân dân Lào sẽ mãi mãi làm nên vùng biên giới hòa bình…”. Đó là thực tế, tình cảm luôn tươi mới mà Thiếu tá Phùng Chí Anh thể hiện ở phần liên hệ thực tiễn trong bài thi.

Mỗi người chọn một trong 12 chủ đề, do đó kiến thức “cứng” được mở rộng phong phú. Đặc biệt, tại phần liên hệ trên cương vị công tác của bản thân, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng mang theo vào bài thi cảm xúc đa tầng, nhiều cung bậc. Trung tá Hồ Thành Vĩnh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô - người từng có thời gian công tác tại các đồn biên phòng ở A Lưới, cũng từng đổ mồ hôi làm nhà hữu nghị, kết nối những tấm lòng Việt, chia sẻ áo cơm  giúp dân bản bạn, viết một cách tự hào: “Với vai trò lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp đỡ Nhân dân hai bên biên giới xây dựng cuộc sống mới, ổn định và ngày càng phát triển về mọi mặt”. Đại úy Lê Xuân Nghiêm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt thì lại đưa vào bài thi những bước chân tháng ngày cùng đồng đội rong ruổi trên cung đường đến bản Ka Lô (Lào) để giúp đỡ, thăm hỏi dân bản bạn, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” đối với các thiếu niên, nhi đồng Lào vượt khó, chăm học.

Bộ đội Biên phòng Đồn Nhâm tặng quà cho dân bản Sê Sáp (Lào)

“Khi ngồi trước bàn phím máy tính, trước mắt tôi lại hiện lên những ngày mùa mưa, lúc qua con suối dữ để đến bản bạn, đồng đội cùng nắm tay nhau, đảm bảo an toàn để mang số tiền trích từ lương của anh em trong đội vận động quần chúng, kịp thời cho các cháu mua sách vở, đồ dùng học tập. Cũng hiện lên trước mắt tôi những nụ cười của trẻ thơ, người già, những lời cảm ơn mộc mạc. Đó chính là cách diễn giải chân thật nhất, cách bồi đắp vững bền lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào”- Đại úy Nghiêm chia sẻ.

Trong rất nhiều bài thi tham gia cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào” , các “thí sinh” là cán bộ, chiến sĩ biên phòng khẳng định, cuộc thi là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn nhằm ôn lại những truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hai nước luôn phát huy tốt tình cảm gắn bó keo sơn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh