Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án  đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh những ưu điểm, thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong triển khai dự án BOT.

Phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một chủ trương đúng trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp. Mục tiêu của các dự án đặt ra là nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển kinh tế, xã hội cho từng địa phương nói riêng và cả khu vục trong vùng dự án nói chung. Song trong thực tế khi dự án đưa vào khai thác đã không đáp ứng được sự mong đợi. Người dân sống gần trạm thu phí và chủ phương tiện đã không vui mừng mà phản ứng, bởi có trường hợp dự án một đường, trạm thu phí đặt một nẻo, khiến nhiều phương tiện không tham gia giao thông trên tuyến của dự án cũng phải đóng tiền; một số nơi chất lượng công trình chưa đảm bảo, giá qua trạm lại quá cao. Họ phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé, gây ách tắc giao thông, né trạm…Có chủ phương tiện đã phải bán xe, bỏ nghề vì lợi nhuận thấp do gánh chi phí trên đường quá cao. Các khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương gần trạm thu phí cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong thu hút đầu tư, do nhà đầu tư ngại chi phí qua trạm…

Công bằng mà nói, các dự án BOT đã góp phần tạo một kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Vấn đề là  làm sao để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đó, vừa đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, chủ phương tiện tham gia khai thác, cũng như không làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, phát triẻn kinh tế xã hội ở các địa phương.

Vấn đề đầu tiên phải khắc phục sớm là bố trí lại các trạm thu phí cho đúng với thực tế, để người điều khiển phương tiện khỏi phải ấm ức vì không tham gia giao thông trên tuyến BOT mà phải nộp tiền. Cũng không nên áp dụng quy định thời gian hoàn vốn cụ thể là bao nhiêu  năm… mà có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, để có một giá vé qua trạm hợp lý. Điều này đòi hỏi việc thu phí phải đảm bảo tuyệt đối minh bạch, có giám sát bằng công nghệ tiên tiến thu phí tự động, không dừng. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước nắm được nguồn thu của nhà đầu tư để điều chỉnh thời gian hoàn vốn cho phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông; mặt khác, cũng bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư.

Đặng Thành