Trao “cần câu”
Sau phiên chợ sáng chuẩn bị thức ăn cho gia đình, bà Hồ Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố (TDP) Tráng Lực, thị trấn Sịa lại đi một vòng quanh xóm thu tiền tiết kiệm định kỳ.
Bà Banh thoát nghèo nhờ vay vốn hộ nghèo
Bà Xuân giải thích: Hội phụ nữ thị trấn hiện đang nhận ủy thác cho các hội viên hội phụ nữ vay vốn hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, tạo việc làm... Thay vì phải trả ngân hàng theo định kỳ 6 tháng, chị em phụ nữ trong tổ lại đóng tiết kiệm hàng tháng, số tiền này sẽ được chuyển sang trả nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn, giảm bớt áp lực cho chị em trong quá trình trả nợ. Hiện, tổ đang quản lý vốn vay của 49 hộ thuộc các chương trình hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, với số tiền vay trung bình từ 20-50 triệu đồng/hộ.
Đến thăm nhà bà Lê Thị Banh, TDP Tráng Lực, bà trải lòng: “Trước đó, ông nhà là lao động chính. Rồi ông bị tai biến, mọi tài sản trong nhà theo bệnh tật mà ra đi. Gia đình được đưa vào đối tượng hộ nghèo, các chị trong hội phụ nữ động viên vay vốn phát triển sản xuất. Ban đầu, tôi cũng lo, vay rồi lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng. Ấy vậy mà sau khi vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình chính thức thoát nghèo. Tôi mạnh dạn vay tiếp 15 triệu đồng đầu tư thêm chuồng trại, cuộc sống gia đình nhờ đó cũng khấm khá hơn. Trả xong nợ ngân hàng, tôi sẽ vay thêm chút ít sửa sang lại nhà cửa cho khang trang”.
Không riêng gì hộ bà Banh, tại TDP Tráng Lực còn có hộ bà Bùi Thị Hữu, Ngô Thị Oanh cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: Hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo đang thực sự là điểm tựa cho các hộ khó khăn trên địa bàn huyện. So với hình thức cấp phát tài trợ cho không, hình thức hỗ trợ vốn vay mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần.
Đầu tư chiều sâu
Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định trong chu kỳ dài, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách ở huyện Quảng Điền có điều kiện đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn, chi nhánh chủ động triển khai cho vay theo địa bàn, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, như: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên thực hiện ủy thác vay vốn. Đồng thời, thành lập các điểm giao dịch cố định tại 10 xã, thị trấn với 276 tổ tiết kiệm và vay vốn, 33 hội đoàn thể cấp xã tham gia nhận ủy thác vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn.
Ông Lê Vinh, Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Điền thông tin, từ khi thành lập đến nay, chi nhánh tập trung việc đầu tư vốn cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Mức cho vay tăng lên theo đúng nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng hưởng thụ.
Với mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp nhận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH, nâng số dư nợ bình quân từ 22,9 triệu đồng/hộ (năm 2017) lên 30 triệu đồng/hộ năm 2020, NHCSXH huyện tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện nghiêm túc công tác giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ.
15 năm qua, NHCSXH Quảng Điền đã cho hơn 20,3 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhờ đó gần 7,7 ngàn hộ thoát nghèo. Bình quân hàng năm cho hơn 1,3 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 23,46% xuống còn 11,21% năm 2016 (theo chuẩn mới). |
Bài, ảnh: Hoàng Loan