Tạo hóa ban tặng cho Chân Mây một vùng biển bình yên lặng sóng. Đứng ở bãi biển cũng dễ dàng quan sát được các thao tác cào ruốc của ngư dân. Để cào ruốc, ngư dân dùng một chiếc thuyền máy gắn một lưới cào chạy dọc bờ biển. Khi nào người “hoa tiêu” đứng ở mũi thuyền phát hiện đàn ruốc thì ra hiệu lệnh cho những người còn lại hạ lưới xuống, người điều khiển máy rồ ga cho thuyền chạy nhanh. Chưa đầy 1 phút, lưới cào được kéo lên, mang theo 10-20kg ruốc tươi. Đàn ông, thanh niên trai tráng mạnh khỏe thì đảm đương việc cào vớt ruốc. Phụ nữ thì đứng đợi trong bờ chờ những mẻ ruốc tươi nguyên đưa vào để bán cho kịp chợ và phơi cho được nắng.  

Thuyền máy của ngư dân được gắn dã cào cố định để cào ruốc

Theo những người đánh bắt ruốc, một thuyền máy có 6-8 người cùng thay phiên kéo chung một lưới cào. Mỗi ngày cào trung bình từ 5-7 tạ ruốc tươi và với giá ruốc dao động trong khoảng 20-25 nghìn đồng/kg. Ngày thường mỗi lao động ở đây cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, có hôm lượng ruốc lớn thì kiếm được năm, sáu trăm ngàn đồng. Nghề cào ruốc đang mang lại lợi ích thiết thực cho các ngư dân quanh năm bám biển mưu sinh.

Ruốc vừa được dã cào vớt lên và đưa vào bờ bằng thuyền thúng

Theo kinh nghiệm người đi biển, ruốc đỏ là loại ngon nhất, còn ruốc màu nâu sậm là ruốc già, nâu hồng nhạt là ruốc non, ruốc già và non thường chất lượng không ngon bằng. Ngoài ruốc khô, mắm ruốc, nước mắm ruốc, có nhiều món được làm từ ruốc tươi, góp phần tạo nên nét độc đáo trong ẩm thực biển xứ Huế như: ruốc xào, cháo ruốc, lẩu ruốc, chả ruốc... Nhưng đặc biệt hơn cả là món gỏi ruốc. Ruốc được rửa sạch bằng nước biển, vắt ráo nước cho vào một tô lớn rồi vắt chanh vào, ướp khoảng mươi phút là ruốc chín, không còn mùi tanh. Ruốc đủ độ chín cho thêm chút thính, tiêu, gừng thái chỉ, ớt cắt mỏng, rau thơm... vào là thành món gỏi ruốc.

Nhanh chóng chuyển ruốc về chợ

 

Du khách thích thú mua ruốc tươi thưởng thức ngay tại bãi biển Chân Mây

Những ngày được nhiều, người dân đem phơi khô ruốc, bán với giá 120.000 đồng/kg

 

 

Thái Bình