Giá heo hơi ở mức thấp khiến người nuôi heo tại các trang trại xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) vẫn không có lãi
Không có lãi
Ông Hồ Đăng Định, chủ trang trại ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cho biết, sau một thời gian rớt giá, heo hơi có lúc tăng đến 40-45 nghìn đồng/kg. Với chi phí và thời gian nuôi, mức giá như thế người nuôi đã có lãi. Song, hiện thị trường heo hơi biến động, giá heo hơi giảm còn từ 30-35 nghìn đồng/kg.
“Tui nuôi 15 con heo nái và 50 con heo thịt, với mức giá như hiện nay, người nuôi lấy công làm lãi nhưng bỏ công vẫn không có lãi nên các hộ chăn nuôi đã giảm nuôi heo”, anh Định chia sẻ.
Được biết, tổng chi phí để nuôi mỗi con heo từ lúc con giống đến xuất chuồng hơn 2,5 triệu đồng. Ngoài những trang trại quy mô lớn, có sự liên kết với các doanh nghiệp (DN) bao tiêu sản phẩm, người nuôi quy mô nhỏ, nông hộ vẫn gặp khó khăn vì giá heo hơi lại ở mức thấp.
Bà Phan Thị Sáu (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) cho biết: “Trước đây, tận dụng thức ăn thừa và kết hợp với nấu rượu, tui nuôi hai chục con heo thịt và 2 heo nái. Nhưng chừ giá heo hơi khá thấp, vừa tăng lại giảm nên tui chỉ nuôi 5 heo thịt và không còn nuôi heo nái”.
Giá heo hơi thời gian qua biến động bất thường khiến tổng đàn heo không còn ở mức cao, việc đầu tư mở rộng chuồng trại mới cũng chững lại.
Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin: “Tại huyện Quảng Điền, ngoài số ít các trang trại quy mô lớn, liên kết với DN thì đa số bà con chăn nuôi thời điểm này gặp khó khăn. Tổng đàn heo hiện giảm hơn 15%”.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, nguyên nhân chính khiến giá heo giảm là do cung vượt cầu.
Heo tại Thừa Thiên Huế chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và một phần heo giống xuất đi các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình. Để cung ứng vừa đủ nhu cầu của thị trường, tổng đàn toàn tỉnh giảm xuống còn 198 nghìn con, đàn nái còn khoảng 3 nghìn con và nhập khoảng 15% lượng thịt”, ông Hưng cho hay.
Ổn định chất lượng đàn nái
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thị trường heo hơi tại Thừa Thiên Huế biến động cùng chung tình cảnh với thị trường trên cả nước. Hiện các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân thận trọng việc tái đàn bởi giá heo tăng giảm bất thường.
Ở một số địa phương, việc giá thấp khiến người nuôi có phần chủ quan trong khâu chăm sóc cũng như công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo.
Hiện, ngoài heo, giá gà cũng đang ở mức thấp. Tổng đàn gà trên toàn tỉnh có khoảng 2,7 triệu con. Khảo sát tại nhiều địa phương, giá gà giao động khoảng 45-47 nghìn đồng/kg, với mức giá này, người nuôi không có lãi. |
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thừa nhận: “So với trước đây, nuôi heo không có lãi nên nhiều hộ nuôi lơ là khâu phòng dịch bệnh cho heo. Do vậy, vừa qua chúng tôi đã có văn bản đến từng địa phương, đơn vị thú y cơ sở đề nghị đôn đốc quá trình tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho heo. Đồng thời cắt cử cán bộ giám sát quá trình này tại các cơ sở nuôi heo, đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”.
Trong tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm 50%, còn lại là lượng heo từ các trang trại có quy mô lớn.
“Heo được chăn nuôi theo hướng công nghiệp phụ thuộc trực tiếp vào thị trường. Hiện chưa có đơn vị nào đầu tư, xây dựng trang trại mới. Để đáp ưng nhu cầu chăn nuôi, người nuôi cải tạo chuồng trại trên cơ sở đã có. Nhằm giữ ổn định, tổng đàn heo thịt, đàn nái trên địa bàn tỉnh sẽ không tăng thêm về số lượng mà chỉ tăng chất lượng. Ngoài việc quy hoạch về số lượng nái, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc cũng sẽ không tăng thêm giá để tránh tình trạng thừa mà chỉ giữ số lượng vừa phải, để cung ứng vừa đủ nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở các trang trại, gia trại”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Phan Văn Lự, so với các địa phương khác, Quảng Điền có lượng heo nái khá lớn, huyện đã khuyến cáo người dân giữ ổn định đàn nái.
“Chỉ tăng chất lượng chứ không tăng số lượng. Đối với lượng heo nái không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại thải, có như thế mới ổn định về chất lẫn số lượng đàn heo thịt”, ông Lự chia sẻ.
Lê Thọ