Gần 18 năm trước, anh chị về chung sống cùng nhau, nhưng không đăng ký kết hôn. “Vợ, chồng” sống hạnh phúc, sinh con và cùng nhau chia sẻ công việc, cuộc sống như bao gia đình khác. Không ít người nhắc nhở chị đến UBND phường làm thủ tục đăng ký kết hôn để “đảm bảo” danh chính ngôn thuận là vợ chồng trước pháp luật. Thế nhưng, chị cho rằng đó “chỉ là một tờ giấy thôi mà”, miễn sao hai người sống hạnh phúc, yêu thương nhau, cùng nuôi dạy con thật tốt là được. Theo suy nghĩ của chị, dù đăng ký kết hôn, nhưng mỗi khi đã không còn tình cảm thì cuối cùng vợ chồng cũng phải đưa nhau ra tòa, tờ giấy kết hôn cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Mười mấy năm, cuộc chung sống trôi qua yên ả. Thật không ngờ...“Chồng” chị có tình cảm với một cô gái trẻ. Chưa kịp “trở tay”, níu kéo “chồng” về, hai mẹ con đã tá hỏa khi “chồng”, cha của mình tổ chức đám cưới hoành tráng tại một khách sạn, với cô gái đó. Cho rằng mình là vợ hợp pháp, quá sốc trước hành động “không thể chấp nhận” của chồng, mẹ con chị và gia đình bên ngoại kéo nhau đến đám cưới làm một phen náo loạn. Đau đớn hơn, “chồng” lại đưa người mới về ở trong ngôi nhà tạo lập được trong thời gian “vợ, chồng” chị chung sống. Nhiều người thông cảm nỗi đau của mẹ con chị. Thế nhưng suy cho cùng, trước pháp luật, chị và “chồng” đâu phải là vợ chồng, nên đâu được pháp luật bảo vệ, dù chị và người đàn ông đó đã chung sống gần 18 năm, có con chung.

“Chồng” chị gửi đơn đến tòa án yêu cầu pháp luật không công nhận anh và chị là vợ chồng, để “minh bạch” mà đăng ký kết hôn với người mới. Theo đó trong vụ án này, tòa án không công nhận nguyên đơn và bị đơn là vợ chồng (vì anh, chị không đăng ký kết hôn). Đối với nhà đất hiện đang có (được định giá hơn 2 tỷ đồng), chị cho rằng đó là tài sản chung do “vợ, chồng” cùng nhau tạo lập sau gần 18 năm chung sống. Thế nhưng, nhà đất lại chỉ đứng tên một mình anh. Chị không chứng minh được phần đóng góp của mình. Do đó, tòa bác yêu cầu chia đôi tài sản của chị.

Chị kháng cáo bản án sơ thẩm nên TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Trước phiên tòa, chị đề nghị được thỏa thuận với anh về vấn đề tài sản, có sự chứng kiến của thẩm phán. Chị yêu cầu anh hỗ trợ 300 triệu đồng. Anh chỉ đồng ý con số 100 triệu. Thẩm phán cho rằng, tài sản trị giá hơn 2 tỷ đồng, anh nên nghĩ đến con chung, nên chăng hỗ trợ thêm cho hai mẹ con. Anh đồng ý hỗ trợ chị 150 triệu đồng. Hai người “dứt giá” với nhau. Ngay sau đó chị lại thay đổi ý kiến. Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu làm việc. Quá trình xét xử, chị yêu cầu anh hỗ trợ 500 triệu đồng. Anh chị lại “xin” tòa cho phép “ngồi lại” với nhau. Sau khi bàn bạc, thỏa thuận, hai đương sự trong vụ án nhất trí: anh hỗ trợ cho chị 250 triệu đồng, đồng thời giao cho chị ngay tại tòa 150 triệu đồng. Số còn lại sẽ “trả” sau.

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị nhiều lần bật khóc nức nở và ngất xỉu khiến không ai không khỏi cám cảnh. Đành rằng mỗi khi vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, không còn tình cảm thì có thể phải “nhờ tòa” kết thúc cuộc hôn nhân. Thế nhưng tình cảnh của chị lại quá trớ trêu, chua xót. Hậu quả là do chị không thực hiện quy định pháp luật, đăng ký kết hôn. Nếu anh chị là vợ chồng hợp pháp, thì anh đâu có thể hành động như vậy được. Và dù tài sản đứng tên vợ, hoặc chồng nhưng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, cũng được công nhận là tài sản chung của vợ chồng.

Vụ án “của chị” âu cũng là lời nhắc nhở chung “đắt giá” cho các cặp đôi, rằng phải tuân thủ pháp luật hôn nhân gia đình để được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Duy Trí