Sản lượng cà phê ở Mỹ Latinh có nguy cơ sụt giảm mạnh do biến đổi khí hậu. Ảnh: AP
Nghiên cứu cho thấy, cà phê chất lượng cao phải đối mặt với nguy cơ cao nhất, khi loại cà phê Arabica không thể chịu được ngay cả những biến động nhẹ về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng mặt trời. Đối với cà phê Robusta - chủ yếu được trồng ở châu Phi để chế biến thành cà phê hòa tan, cũng chỉ cps khả năng chống chịu được một chút trước những thay đổi của thời tiết.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Taylor Ricketts - Giám đốc của Viện Môi trường Gund thuộc Đại học Vermont cho biết: "Cà phê là một trong những loại hàng hóa có giá trị nhất trên trái đất, nó cần một bầu khí hậu phù hợp và những con ong thụ phấn để sản xuất hiệu quả. Và đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy cả hai yếu tố trên có thể sẽ thay đổi dưới tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu - theo cách sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất cà phê".
Trong nghiên cứu được được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, Hoa Kỳ (PNAS), các nhà nghiên cứu đã ước tính đến những thay đổi trong sự phân bố cà phê Arabica ở Mỹ Latinh. Họ kết luận rằng, nhiệt độ tăng hơn 3,6 độ F (2 độ C) vào năm 2050 sẽ làm giảm sản lượng hạt cà phê từ 73%-88% tại các địa điểm sản xuất cà phê nổi tiếng nhất hiện nay. Bên cạnh đó, sự sụt giảm số lượng ong từ 8%-18% cũng góp phần vào sự suy giảm này.
Trong bối cảnh đó, dự đoán các nước chịu tổn thất lớn nhất là Honduras, Nicaragua và Venezuela.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tin đều xấu, các nhà nghiên cứu ngx chfo răng số lượng ong và sự đa dạng trong các khu vực khác trên thực tế có thể tăng lên. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường phát triển cà phê thuận lợi ở Colombia, Costa Rica, Guatemala và Mexico, nơi mà nhiệt độ ở các vùng miền núi dự kiến sẽ phù hợp hơn.
Nghiên cứu cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các khu rừng nhiệt đới đối với ong và các loài thụ phấn quan trọng khác.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & CNA)