Những điểm đến hấp dẫn

Tối 25/3, tour du lịch văn hóa về đêm “Huế dịu dàng” được tổ chức lần đầu tiên tại đình làng cổ 108 Kim Long đã mang đến cho du khách trải nghiệm mới khi đến với Huế. Trong không gian của mái đình làng cổ Kim Long, du khách được thưởng thức những điệu hò mái nhì, làn điệu ca Huế mang đậm bản sắc văn hóa cổ bên mâm trà, chiếu hoa. Ngoài những món ăn đặc sản Cố đô, điểm nhấn của tour du lịch này là phần trình diễn các mẫu thiết kế áo dài của NTK Viết Bảo với những đường nét, họa tiết ấn tượng. Đây là chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức vào tối 30 hàng tháng nhằm tạo ra nét mới cho du lịch Huế. Sau thành công của đêm diễn đầu tiên, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức vào 2 đêm 30/4 và 1/5, hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn của Huế.

Khu du lịch Thanh Tân hứa hẹn hấp dẫn du khách trong dịp lễ 30/4. Ảnh: Diên Thống

Festival Nghề truyền thống Huế 2013 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ ngày 27/4 đến 1/5. Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề được tổ chức bên bờ sông Hương với những hoạt động nghề sống động. Theo Ban Tổ chức, festival năm nay có nhiều hoạt động phong phú như: Trưng bày dệt may “Ấn tượng độc đáo” của các nghệ nhân quốc tế, trưng bày về nghệ thuật đương đại, không gian “Các sản phẩm từ tre” của nghệ nhân Masao (Nhật Bản), triển lãm, biểu diễn thả diều, thưởng thức không gian thư pháp Huế, biểu diễn thời trang... Ngoài ra còn có nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật ẩm thực Huế, trò chơi dân gian. Song song với các hoạt động của Festival, Hội chợ triển lãm làng nghề toàn quốc cũng được tổ chức tại Công viên Thương Bạc.

Không phải là điểm du lịch mới nhưng vào dịp 30/4 và 1/5 năm nay, Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQGBM) sẽ mở cửa đón khách trở lại sau gần 3 năm tạm ngưng hoạt động để nâng cấp hạ tầng. Hiện, VQGBM đang phối hợp tích cực trùng tu, phục hồi lại các biệt thự du lịch và đưa một số dịch vụ mới phục vụ đón khách, như: du lịch nghiên cứu, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh...

Làm mới sản phẩm

Trong dịp này, Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế đã mở thêm một số tour, tuyến và sản phẩm dịch vụ mới phục vụ khách du lịch. Ông Lê Ngọc Sanh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VHTT&DL cho biết: “Các đơn vị đã nới rộng điểm tham quan, thổi hồn vào để sản phẩm sinh động hơn. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tái hiện lại phiên lễ đổi gác cung đình xưa, tổ chức các chương trình biểu diễn cung đình ở Duyệt Thị Đường, kết hợp giữa tham quan Đại Nội với Bảo tàng Cổ vật... Cầu ngói Thanh Toàn đưa chằm nón, gói bánh tét, giới thiệu nông cụ, hát bài chòi vào tour, tạo nên điểm nhấn để thu hút khách du lịch”.

Du khách sẽ hài lòng khi ngâm mình dưới làn nước trong xanh của biển.

Theo nhiều hãng lữ hành, ngoài tour di sản, xu thế trong những năm gần đây, du khách đến Huế quan tâm đến loại hình du lịch tâm linh. Vì thế các đơn vị lữ hành đang khai thác, mở rộng các tour du lịch tâm linh, nhất là tour Trung tâm Văn hóa Huyền Trân – Chín Hầm – chùa Ba Đồn. Các địa điểm du lịch tâm linh như điện Hòn Chén, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, chùa chiền cũng chuẩn bị chu đáo các phương án đón và phục vụ khách.

Các tour du lịch sinh thái cũng đã sẵn sàng đón khách đến ngắm cảnh đẹp thanh bình và trong lành vùng phá Tam Giang và qua các làng quê xứ Huế. Biển Lăng Cô và Thuận An đều khai trương tour du lịch biển, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Đến nay, toàn huyện Phú Lộc đã có trên 50 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với khoảng 900 phòng để phục vụ du khách. Tại biển Thuận An, UBND huyện Phú Vang đang tập trung đầu tư các dịch vụ ăn uống, giải khát và hệ thống cảnh báo để từng bước thỏa mãn nhu cầu cũng như đảm bảo an toàn cho du khách.

Ngoài việc bình ổn giá lưu trú và triển khai nhiều chương trình giảm giá kích cầu, các nhà hàng, khách sạn đã chuẩn bị thêm các điểm vui chơi và nhiều món ăn ngon, đặc trưng của Huế. Với các sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn, chắc chắn du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến Huế.

Minh Hiền