“Về nhà T. chơi, lâu rồi "bà" không ghé nhà. Ba mẹ T. cứ nhắc "bà" mãi”. Lời mời của cô bạn thân thời trung học thôi thúc tôi về thăm lại nơi chúng tôi hay tá túc ngày còn đi học.

Ổn định cuộc sống, người dân Quảng Công vươn khơi

Xưa khu này gọi là phường Am. Nhà bạn tôi nằm sát biển. Vào một chiều cuối tuần giông tố, giọng nó run run vang lên trong điện thoại: nhà mình sập rồi "Móm" à.

Rồi gia đình bạn được bố trí tái định cư (TĐC) tại khu TĐC Hải Thành – Cương Giáng. Từ khi ra trường đến giờ, tôi mới có dịp ghé lại. Con đường vào khu TĐC ngày ấy vẫn chỉ là đường cát, mỗi lần ra nhà bạn, chúng tôi phải dắt xe đạp băng qua dải cát trắng nóng rát cả bàn chân. Giờ thì xe chạy vào tận ngõ, bãi đất trắng trống trơn mọc lên những ngôi nhà khang trang.

Rời khu TĐC Hải Thành – Cương Giáng, chúng tôi theo con đường bê tông đi thẳng về khu TĐC An Lộc - Tân Thành.

Ông Huỳnh Huyên, Trưởng thôn Tân Thành như trút đi gánh lo khi hạ tầng ở thôn đã được đầu tư hoàn chỉnh, không còn là  xóm "3 không" (không điện, không nước, không đường giao thông) như những năm về trước.

“Từ 5 hộ TĐC ban đầu, đến nay khu TĐC An Lộc - Tân Thành có hơn 109 hộ ổn định đời sống. Ngoài gắn bó với nghề biển, người dân trong khu TĐC đầu tư phát triển nghề mắm, nước mắm truyền thống. Mới đây nhận tiền bồi thường từ sự cố môi trường biển, người dân tập trung đầu tư thuyền bè, ngư cụ nên hiệu quả đánh bắt đạt khá. Thu nhập bình quân đầu người trong khu TĐC đạt 27 triệu đồng/người/năm”, Trưởng thôn Huỳnh Huyên thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyên, một trong những cư dân đầu tiên của khu TĐC An Lộc - Tân Thành nhớ lại: Năm 2011, biển xâm thực nặng, gia đình nhận hỗ trợ 14,5 triệu đồng cùng đất được cấp để TĐC. Lúc đó, phải vay mượn khắp nơi, chúng tôi mới xây dựng được ngôi nhà này. Khổ nhất là khâu vận chuyển vật liệu. Chưa có đường giao thông nên ngày nào hai vợ chồng cũng thức dậy từ 3h sáng hì hục đẩy xe rùa chuyển vật liệu xây dựng từ đường chính vào khu TĐC.

Rót ly nước mời khách, ông Thuyên tiếp lời: Giờ ổn rồi, đường giao thông được đầu tư, kết nối giữa khu cũ, khu mới và các thôn khác khá thông suốt, hệ thống điện, nước sạch đảm bảo; đời sống ổn định. Từ nghề biển và nghề chế biến mắm, nước mắm, mỗi năm gia đình có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Quảng Công từng là nơi có tốc độ biển xâm thực mỗi năm rất cao, từ 10-12m, chiều dài từ 2-3km.

Để bảo đảm an toàn, năm 2010, UBND tỉnh chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu TĐC gồm: Hải Thành - Cương Giáng; An Lộc - Tân Thành và khu Tân An, với tổng diện tích 40ha; số vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Các khu TĐC này được phân lô, cấp cho 400 hộ dân ở các thôn ven biển nằm trong diện di dời do sạt lở.

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công thông tin, hiện các khu TĐC trên điạ bàn xã hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Sau thời gian TĐC, người dân tập trung xây dựng nhà cửa khang trang, không còn thấp thỏm khi mùa mưa bão đến.

Cùng với ổn định cuộc sống, người dân tự tạo công ăn việc làm, đầu tư đổi mới tàu thuyền, ngư cụ. Xã cũng tập trung vào mũi nhọn xuất khẩu lao động ven biển hứa hẹn sẽ giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 18 lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc thành công, từ đây đến cuối năm sẽ có thêm 20 lao động tiến hành xuất cảnh.

Việc đầu tư hệ thống kè chống sạt lở bờ biển Quảng Công với chiều dài gần 2,7km với tổng vốn đầu tư trên 278 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an toàn cho cư dân ven biển, mở ra hướng mới trong phát triển du lịch biển Quảng Công sau này.

Hiện, giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 173 tỷ đồng xây dựng 4 đoạn kè có chiều dài gần 1,5km của tuyến kè đã được đầu tư. Hai tuyến Tân An, Tân Lộc với chiều dài hơn 1km đang tiến hành thi công sắp hoàn thành; 2 tuyến còn lại đang xúc tiến đầu tư, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Hoàng Loan