Lao động càng lớn tuổi, càng lo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Sau nhiều năm làm việc ở Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai), chị Võ Tuyết Nga về Huế xin làm công nhân may ở các khu công nghiệp. Khi thấy các công ty thông báo, cần tuyển gấp nữ công nhân chị khấp khởi mừng. Thế nhưng, qua ba lần phỏng vấn, nhiều doanh nghiệp nhận hồ sơ, nhưng khuyên chị “đừng hy vọng” vì chỉ ưu tiên lao động nữ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Với tuổi 37, cộng thêm có hai con nhỏ, chị khó có cơ hội làm việc ở các nhà máy. Cuối cùng, chị Nga xin đi làm ở tổ hợp may tư nhân trong thành phố, lương thấp, lại không có chế độ BHXH, bảo hiểm y tế. "Bảy năm đóng BHXH, chừ đành phải nhận một lần, đóng tiếp thì không có khả năng khi thu nhập bấp bênh. Càng lớn tuổi, càng khó xin việc thì làm sao tiếp tục tham gia BHXH", chị Nga trải lòng.

Trường hợp "chưa quá 40... đã cho là già" như chị Nga khi xin việc là phổ biến. Không doanh nghiệp nào nói ra, nhưng dường như điều này đã trở thành "luật bất thành văn”. Ngay cả những người trên 35 tuổi làm việc trong lĩnh vực không đòi hỏi nhiều về tay nghề, cũng luôn nơm nớp lo doanh nghiệp tìm cách sa thải bất cứ lúc nào… Anh Phan Mậu Thành (Thủy Phù, TX Hương Thủy), làm việc ở ngành điện tử, chia sẻ: "Ở tuổi 33, tôi nghĩ mình đã quá già trong lĩnh vực điện tử. Lớp trẻ ứng dụng công nghệ mới rất nhanh nên tôi cảm thấy mình không còn phù hợp. Người sử dụng lao động không sa thải nhưng lại đặt ra khá nhiều quy định khắt khe về thời gian, điều kiện làm việc khiến tôi không đáp ứng được. Nếu cứ tiếp tục làm, tôi rất dễ vi phạm nên muốn nghỉ việc".

Đổi hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất cũng là một trong những lý do cắt giảm được lao động không có tay nghề. Hơn nữa, những lao động nào không bắt kịp được công nghệ, không áp dụng được kỹ thuật mới cũng sẽ bị đào thải. Thông thường, người lao động muốn có thu nhập ổn định và tích lũy thì phải làm thêm, tăng ca. Vì vậy, họ bị "vắt kiệt" sức lao động. Thế nên, lao động suy giảm sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động cao, hệ lụy kéo theo là nhiều ngành nghề lao động mới tầm 35-40 tuổi đã không thể đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp đưa ra.

Anh Trần T, Giám đốc Công ty phần mềm V.T (TP. Huế), cho hay: "Lao động trên 35 tuổi, có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, hiểu rõ quy trình sản xuất... nhưng lại thua kém đội ngũ lao động trẻ tuổi ở năng suất, độ nhanh nhạy, nắm bắt công nghệ. Vì vậy, để tiết giảm chi phí, giảm gánh nặng về lương, BHXH, phụ cấp thâm niên… các doanh nghiệp thường lách luật, sử dụng nhiều biện pháp để đẩy lao động ra khỏi doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động, chi cho người lao động một khoản tiền trợ cấp cao hơn trợ cấp của BHXH để họ nghỉ việc. Không ít doanh nghiệp muốn thay thế nhân công bằng đội ngũ lao động trẻ tuổi, năng động và sẵn sàng học hỏi, tiếp thu cái mới. Thế nên, doanh nghiệp chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn, có khi chỉ 2-3 tuần là có thể lao động đảm nhận được công việc. Đây là cách thức để doanh nghiệp tránh được các chi phí BHXH, thất nghiệp và chi phí tăng lương.

Không còn cách nào khác là người lao động phải "tự cứu mình" để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chính lao động phải tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực, nhất là kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm việc. Mặt khác, người lao động phải tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp không bị “dính bẫy”. Các ngành liên quan cần tuyên truyền để tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi cả tuổi trẻ người lao động đã cống hiến cho doanh nghiệp. Người lao động cần biết được quyền lợi của mình, bởi hiện nay rất nhiều lao động khi được doanh nghiệp đưa ra mức trợ cấp cao đã đồng ý nghỉ việc sớm.

Huế Thu