Mua bán lấn chiếm vỉa hè trên đường Ngô Quyền

Đường như... chợ

Đường Ngô Quyền đoạn từ ngã tư Hai Bà Trưng đến ngã 3 Lê Lai chỉ với khoảng 300m nhưng vô cùng nhốn nháo bởi hàng quán, từ hàng ăn, trái cây, đến vật dụng phục vụ cho người bệnh... gần như lấn chiếm toàn bộ vỉa hè. Người đi bộ khi qua đoạn đường này phải đi dưới lòng đường. Cùng với đó là cảnh chèo kéo mua hàng, giao thông hỗn loạn cả khi không phải giờ cao điểm.

Anh Đặng Linh (nhân viên tiếp thị) cho biết, mỗi sáng có việc ngang đoạn đường này đã trở thành nỗi ám ảnh, bởi cảnh người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ tràn xuống lòng đường. “Mặc dù là đường nhưng chẳng khác gì chợ. Có lúc cao điểm xe cộ ách tắt, kẹt cứng một đoạn dài”, anh Linh bức xúc.

 Mua bán lấn chiếm vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng ngay trước cổng Bệnh viện Trung ương Huế

Đường Hai Bà Trưng đoạn trước Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Huế cũng dày đặc các quán giải khát “lưu động” được dàn dọc theo vỉa hè. Các dãy ghế được sắp dọc vỉa hè mỗi khi có khách, sau đó được thu gọn lại để đối phó với cơ quan chức năng. Dù nhiều lần cơ quan chức năng đã ra quân xử lý nhưng khi vắng bóng lực lượng này, hàng quán lại tha hồ bày biện. Có trường hợp còn đối phó bằng cách cho người canh, cứ có lực lượng chức năng thì sẽ đánh động để thu gom bàn ghế bỏ chạy, hoặc ùa vào đám đông. Khu vực này cũng là “căn cứ điểm” của “xe dù”, “bến cóc” nhiều tỉnh, thành đón, trả khách ngang nhiên gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.

Cần sự đồng bộ và quyết liệt

Trung tá Đăng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế thông tin, trước sự hỗn độn về giao thông trên các tuyến đường Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Công an TP. Huế đã có khảo sát và tham mưu UBND TP. Huế phân luồng giao thông hợp lý. Theo đó, tuyến đường Hai Bà Trưng đoạn từ Ngô Quyền- Trần Cao Vân và đoạn từ Trần Cao Vân- Hà Nội đã cắm biển báo phương tiện tham gia giao thông đi một chiều. Riêng tuyến Ngô Quyền, đã tiến hành lắp đặt các biển báo “cấm đỗ”, “cấm dừng”, “cấm xe tải” nhằm hạn chế ách tắc giao thông ở đây vào giờ cao điểm. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức xử lý hàng trăm trường hợp đậu, đỗ sai quy định trên tuyến này. Đồng thời, thường xuyên bố trí lực lượng vào giờ cao điểm để xử lý những trường hợp vi phạm và điều hòa giao thông.    

Vỉa hè trên đường Ngô Quyền kín xe máy, sinh viên trường y vào bệnh viện thực tập phải đi dưới lòng đường

Bà Trần Thị Kim Cúc, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh cho hay, đội ngũ bán hàng rong tồn tại trên các tuyến đường nói trên do yếu tố lịch sử. Trước đây, nhiều thế hệ sống, buôn bán ở đường Nguyễn Huy Tự, từ ngày con đường này đóng để làm đường nội bộ của bệnh viện, họ không còn chỗ bán nên mới tràn ra đường Ngô Quyền, Hai Bà Trưng. Công tác lập lại trật tự đô thị, vỉa hè, nhất là các tuyến đường nói trên được chính quyền địa phương quan tâm, mở đợt cao điểm lập trật tự với sự phối hợp của lực lượng liên ngành công an, trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xử phạt hành chính và thu giữ nhiều vật dụng, biển hiệu, bàn ghế dùng để buôn bán, lấn chiếm vỉa hè. Khởi tố một đối tượng lấn chiếm vỉa hè buôn bán chống người thi hành công vụ; một đối tượng khác vi phạm được giao cho cộng đồng quản chế. Tuy nhiên, sau khi hết đợt cao điểm, lực lượng trật tự của phường mỏng nên chỉ triển khai theo từng đợt. Khi vắng mặt lực lượng chức năng thì ngay lập tức đội quân buôn bán hàng rong lại tái xuất hiện. 

Về giải pháp để chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, bà Trần Thị Kim Cúc cho rằng, đây là việc làm vô cùng khó nhưng không phải không làm được.

Trước mắt, Bệnh viện Trung ương Huế cần dành một số diện tích để làm căng tin, điểm dịch vụ ăn uống, bách hóa ngay trong bệnh viện với giá cả hợp lý cho người nhà bệnh nhân có nhu cầu mua sắm để giảm tải cho các tuyến đường. UBND TP. Huế quan tâm kinh phí mở rộng vỉa hè (phía sát bệnh viện- PV), tạo lối đi thông thoáng cho người dân và sinh viên.

“Quan trọng nhất là cần có sự hỗ trợ tích cực, đồng bộ, mạnh mẽ và thường xuyên của các ngành chức năng trong việc đảm bảo trật tự tại 2 tuyến đường này, nhất là Công an thành phố cần hỗ trợ lực lượng phối hợp với lực lượng đô thị để trấn áp các đối tượng chống đối trong quá trình làm nhiệm vụ”- bà Trần Thị Kim Cúc khẳng định.

PGS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế:

Tổ chức tốt bên trong, hạn chế nhếch nhác bên ngoài

Để hạn chế vấn nạn nhếch nhác xung quanh bệnh viện tồn tại lâu nay, chúng tôi đang tập trung làm tốt các dịch vụ bổ trợ bệnh nhân và người nhà phía trong khuôn viên bệnh viện.

Hiện bệnh viện đang xây dựng nhà chờ bệnh nhân, hệ thống căn tin, khu dinh dưỡng cho bệnh nhân, các dịch vụ phục vụ người nhà bệnh nhân với giá cả cạnh tranh hợp lý, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đã tổ chức lắp đặt trong khuôn viên hơn 10 máy bán hàng tự động các mặt hàng như: nước uống, thức ăn nhanh… với phương thức tiện lợi, giá dịch vụ thấp hơn bên ngoài.

Bệnh viện đang xây dựng một bếp ăn tiêu chuẩn 5 sao, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 10/2017 với công suất 5.000- 7.000 suất ăn/ ngày, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người nhà và bệnh nhân, giúp họ bớt ra ngoài.

Bệnh viện cũng sẵn sàng tiếp nhận số người đang bán hàng rong phía ngoài vào đăng ký và bố trí cho họ buôn bán bằng những xe đẩy tại những địa điểm thích hợp phía trong khuôn viên phục vụ nhu cầu của người dân với những cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường và an ninh trật tự… Nếu làm tốt các dịch vụ như trên, người dân sẽ hình thành thói quen sử dụng dịch vụ phía trong bệnh viện và sẽ giảm tải cho phía bên ngoài.

Về câu hỏi, nếu chính quyền địa phương kêu gọi bệnh viện nhượng một phần diện tích phía đường Ngô Quyền để mở rộng vỉa hè, tạo điều kiện thông thoáng, ông Phạm Như Hiệp hoàn toàn thống nhất nếu đó là chủ trương hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mở rộng đường Ngô Quyền (nếu có), cần phải có quy hoạch và xây dựng hài hòa, không ảnh hưởng lớn đến những công trình sẵn có phía trong bệnh viện.

Thái Bình (ghi)

Bài, ảnh: Thái Sơn- Phan Thành