VĐV Lê Minh Thuận (găng đỏ) thi đấu tại giải vô địch trẻ Karatedo toàn quốc năm 2017​

“Bội thu” huy chương

Đến đầu tháng 9/2017, thể thao Thừa Thiên Huế gặt hái hơn 410 huy chương (HC) các loại. Chỉ riêng các bộ môn thuộc Trường trung cấp Thể dục thể thao tỉnh (cầu lông, cờ, đá cầu, điền kinh, Karatedo, Taekewondo, vật, Judo, bắn cung) đã giành được 377 huy chương (HC) các loại, trong đó có 355 HC trong nước (100 HCV, 109 HCB, 146 HCĐ) và 22 HC quốc tế (12 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ). So với cả năm 2016 (303 HC), lượng HC trong 8 tháng đầu năm 2017 đã vượt 74 huy chương. Chất lượng cũng được nâng lên khi xuất hiện nhiều HC quốc tế là HCV SEA Games và các HC châu Á – chuyện mà nhiều năm qua, thể thao Huế ít khi làm được.

Sở dĩ lượng HC tăng mạnh bởi đây là thời điểm thể thao tỉnh đang có nhiều VĐV đạt tới độ “chín” thành tích. Đầu tiên, phải kể đến hai VĐV vừa thành công tại đấu trường SEA Games. Trong năm 2017, Trần Thị Yến Hoa của bộ môn điền kinh đã mang về 2 HC trong nước (1 HCV, 1 HCB) và 6 HC quốc tế (5HCV, 1HCB). Tương tự, Lê Minh Thuận của tuyển karatedo cũng mang về 5 HC (3 HCV, 2 HCĐ) trong nước và 2 HC quốc tế (1HCV, 1HCB). So với chính thành tích của những VĐV này ở cùng giải đấu các năm trước, kết quả của năm 2017 là tốt hơn.

Các môn vật, Taekwondo… của Thừa Thiên Huế đều có những gương mặt “vàng”, trong đó không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (HCB giải vô địch vật trẻ châu Á), Nguyễn Thị Mỹ Trang (HCĐ giải vô địch vật trẻ châu Á), Đỗ Thị Thanh Ngân (HCĐ giải vô địch trẻ Taekwondo châu Á). Chính HLV hai đội tuyển vật và Taekwondo thừa nhận, từ ngày thành lập đội tuyển đến nay, đây là lần đầu tiên có VĐV đạt thành tích cao ở giải châu lục.

Ông Hà Xuân Bình, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh cho rằng, nếu ví thể thao như hoạt động trồng cây thì ở thời điểm hiện tại, thể thao tỉnh nhà đang đến mùa hái quả khi có lượng VĐV ở nhiều môn cùng đạt đến độ “chín” thành tích. Cũng phải nói thêm là chất lượng VĐV của các đơn vị đều rất mạnh, vì thế việc chiến thắng đối thủ cho thấy sự trưởng thành thực sự của những VĐV nhà. Trong các giải đấu, giới chuyên môn cũng đánh giá cao VĐV của Thừa Thiên Huế.

VĐV Trần Thị Yến Hoa về đích ở nội dung 100 mét rào nữ tại SEA Games 29 Ảnh: Internet

Để "mùa chín" dài thêm

Ngay sau khi các VĐV tỉnh nhà lập được những “kỳ tích” ở đấu trường quốc tế, đã có không ít lo ngại về việc giữ chân VĐV. Thậm chí có HLV thừa nhận, các đơn vị bạn ngỏ lời muốn “mua” VĐV Huế, song họ đã cương quyết từ chối.

Lập trường của các HLV là tín hiệu đáng mừng để giữ chân những VĐV giàu thành tích. Song, để những “gương mặt vàng” ở lại với thể thao Huế, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có chế độ ưu đãi VĐV, chế độ tập luyện và cần nhất là cho họ thấy tương lai ổn định.

Huế là mảnh đất từng sản sinh rất nhiều thế hệ VĐV thể thao tài năng, song không ít người khi đạt đến độ chín thành tích đã tìm một bến đỗ mới. Dễ thấy nhất các VĐV bộ môn cờ vua, như: Bảo Trâm, Như Ý, Thanh Khiết… Khó có thể trách các VĐV khi lương và những chế độ đãi ngộ của các đơn vị bạn hấp dẫn hơn, trong khi bất kỳ ai cũng khao khát tương lai ổn định, vì thế lựa chọn của họ cũng là dễ hiểu.

Đây là thời điểm đáng lo ngại nhất trong việc "giữ chân" các VĐV bởi lẽ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2018 đang đến gần. Hiện, các đơn vị đang ráo riết tìm cách chiêu mộ những VĐV giàu thành tích và dĩ nhiên, các VĐV của Cố đô vừa có những thành công nhất định trên trường quốc tế đã nằm sẵn trong tầm ngắm của họ.

Phải thừa nhận, thời gian qua, tỉnh có nhiều quan tâm đến thể thao, cải thiện về chế độ, đầu tư hơn cơ sở vật chất, tuy nhiên nếu so sánh mặt bằng chung, Thừa Thiên Huế vẫn còn xếp sau nhiều đơn vị trong vấn đề đầu tư về thể thao vì thế “mất người” chính là nỗi lo thường trực khi có VĐV chất lượng.

Theo nhiều HLV, nỗi lo có thể hóa giải nếu các ban, ngành hữu quan có giải pháp linh động. Với những VĐV thực sự tài năng, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp, trong đó có thể có những đặc cách về biên chế HLV tương lai cho họ, để họ yên tâm ở lại tập luyện, thi đấu. Đây cũng là một cách làm hay bởi thông thường, chính những người có nhiều thành tích này sẽ có nhiều kinh nghiệm truyền dạy cho thế hệ sau nếu họ làm công tác huấn luyện.

Với các VĐV trẻ có thành tích tốt, nên có những chế độ ưu tiên đầu tư, nhất là tạo điều kiện để VĐV có nhiều hơn những chuyến tập huấn nước ngoài, tiếp cận môi trường tập luyện thể thao hiện đại và cọ xát với những VĐV tài năng. Đồng thời, khi có thành tích tốt, nên có những khen thưởng kịp thời.

Thể thao cũng như lĩnh vực khoa học luôn đứng trước nỗi lo “chảy máu”, nếu không có giải pháp giữ chân thì mất mát có thể xảy ra. Đầu tư cho thể thao cần thời gian dài, khi đã có những VĐV chất lượng thì nên tập trung đầu tư, tránh “lãng phí” nhân tài.

HỮU PHÚC