Điều trị đã được hơn tuần, bệnh thuyên giảm nhiều. Ăn được, ngủ tốt, đặc biệt là... thèm nói chuyện. Vậy là dù còn có công việc, nhưng chúng tôi thật khó lòng dứt ra khỏi câu chuyện của bà. Bà kể đủ thứ, từ chuyện đau ốm thế nào, nhập viện ra sao, cô y tá này dễ thương, bà bác sĩ kia khó tính... Hết chuyện bệnh viện, bà lôi chuyện gia đình ra tiếp tục... chiêu đãi. Kể say sưa lớp lang từ ông chồng cho đến từng đứa con một. Lúc nói đến bạn tôi, bà tỏ ra âu yếm mãn nguyện:

- Nó là thằng út nhưng có hiếu nhất nhà. Hễ có dịp về thăm là mua cái này cái kia cho mẹ. Không về thì điện thoại hỏi thăm. Vô nằm viện đây một tay nó chạy tới chạy lui lo hết thủ tục, con vợ nó thì ngày ngày cơm cháo bới vô. Bù cho mấy thằng anh và mấy con dâu ở quê, toàn là thứ vô tích sự...

Chúng tôi đứa nào cũng gật gật và khen bà ở hiền gặp lành, có cậu con út hiếu hạnh giỏi giang... rồi chớp thời cơ cầm tay lắc lắc xin phép rút. Bà cảm ơn và tỏ vẻ tiếc nuối vì cuộc trò chuyện đang hồi cao trào.

Ra khỏi phòng, một chị bạn vừa đi vừa lẩm bẩm như nói một mình: "Về chứ không thì biết bao giờ cho hết chuyện. Trong phòng còn có nhiều bệnh khác, để người ta còn nghỉ". Ngừng một lát, chị lại tiếp tục... lẩm bẩm: "Mà bà cụ cũng phiền thật, vợ chồng cậu út ở thành phố có điều kiện, rành đường rành sá, mẹ ốm vào nằm viện không lo thủ tục, bới xách thì còn ai? Anh em toàn ở quê cả, một nắng hai sương, vô chốn đô thị lơ ngơ biết chi mà trú trớ. Nghe bà cụ chê mà tội nghiệp. Sao cụ không nghĩ có khi cả đời cụ mới vào viện một lần, còn ngoài kia, ngày ngày cơm nước, rồi gặp lúc trái gió trở trời nhức đầu sổ mũi, rồi đủ thứ phương này việc khác... có phải mấy đứa ở quê gánh không. Cứ một út hai út, anh em ở quê nghe được người ta tủi, rồi không khéo lại vì thế mà lục đục, sứt mẻ tình cảm. Làm mẹ như thế, không nên...".

Hy Khả