Một gia đình nghèo ở châu Phi. Ảnh: DW

"Chúng ta sẽ không thể chấm dứt nạn đói các dạng suy dinh dưỡng vào năm 2030 trừ khi chúng ta giải quyết tất cả các yếu tố làm suy yếu tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng. Bảo đảm an toàn cho các xã hội hoà bình là điều kiện cần thiết cho mục tiêu đó", các lãnh đạo của năm cơ quan LHQ nêu rõ.

Báo cáo vừa được đưa ra ở Rome là đánh giá toàn cầu đầu tiên về an ninh lương thực và dinh dưỡng của LHQ sau khi thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, trong đó chấm dứt nạn đói và tất cả các dạng suy dinh dưỡng vào năm 2030 là ưu tiên hàng đầu.

Theo số liệu của LHQ, trong năm ngoái có khoảng 815 triệu người đói nghèo - tăng 38 triệu so với một năm trước đó - làm ảnh hưởng tới 11% dân số thế giới. Châu Á là nơi có số người đói nghèo nhiều nhất - 520 triệu người - và vùng hạ Sahara ở châu Phi có tỉ lệ đói nghèo cao nhất khi ảnh hưởng đến 20% dân số của khu vực này.

Theo tổ chức An ninh lương thực và Thực phẩm Thế giới, tỷ lệ cao nhất những trẻ em bị mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trên thế giới đang tập trung ở các vùng xung đột. Hồi đầu năm nay, nạn đói xảy ra ở miền Nam Sudan, và ngx có nguy cơ xảy ra ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột như Nigeria, Somalia và Yemen.

Thậm chí ở các vùng an toàn hơn, hạn hán và lũ lụt liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino cũng như tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã gây ra ​​tình trạng bất an ninh lương thực và suy giảm dinh dưỡng.

Báo cáo này được đưa ra bởi 5 cơ quan - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tố Quyên (Lược dịch từ UN & Reuters)