Bài phát biểu đầu tiên trước gần 200 nguyên thủ quốc gia tại LHQ ngày mai (19/9, giờ Mỹ) cũng là buổi “ra mắt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cơ quan mà ông thường chê trách. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tiết lộ: “Tổng thống sẽ tát đúng người, ôm ấp đúng người và ngài ấy sẽ tỏ ra vô cùng mạnh mẽ”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cùng Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống, ông H.R. McMaster đã vạch ra những mục tiêu cho bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại LHQ tuần này. (Ảnh: AP) |
Khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng cho rằng LHQ “chỉ là một câu lạc bộ để mọi người tụ tập, nói chuyện và có một quãng thời gian vui vẻ”. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo thế giới đang rất tò mò xem vị tổng thống “không thể lường trước được” của nước Mỹ sẽ “ra mắt” Đại hội đồng LHQ như thế nào. Đội ngũ của ông Trump cũng ý thức được điều đó.
Triều Tiên là trọng tâm nhưng Iran không kém phần quan trọng
“Tất cả họ đều rất hồi hộp nghe những gì ông ấy sẽ nói”, bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chia sẻ. “Và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ tạo tác động khá đáng kể”.
“Đối với rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới, đây là cơ hội đầu tiên họ gặp ông ấy, đánh giá ông ấy và cố gắng để đứng về phía tích cực của ông ấy”, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Jon Alterman nhận định.
Còn về phía Tổng thống Donald Trump, bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng LHQ, khoảnh khắc được cho là lớn nhất của ông trên chính trường quốc tế kể từ khi nhậm chức đến nay, cũng là một thử thách cho chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của ông đối với các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến Triều Tiên, Iran, Syria…
Đại sứ Nikki Haley cam đoan, cách tiếp cận của Mỹ tại cuộc họp lần này sẽ rất “vững chắc” và “mạnh mẽ” trong bối cảnh các nhà ngoại giao và quan chức hàng đầu của Mỹ đang giải quyết những thách thức toàn cầu.
Bà Haley cùng Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống, ông H.R. McMaster đã vạch ra những mục tiêu cho bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại LHQ tuần này. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ hối thúc các nước chung tay với Mỹ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của cả Triều Tiên và Iran.
“Sẽ không thiếu vấn đề nào cả, trong đó Triều Tiên sẽ là vấn đề đầu tiên và là trọng tâm”, bà Haley cho biết. “Iran cũng sẽ là một vấn đề, Syria chắc chắn sẽ được thảo luận, bên cạnh đó là những âm mưu của chủ nghĩa khủng bố và làm thế nào chúng ta ngăn chặn chúng là một chủ đề lớn”.
Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ vừa thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất với Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét liệu Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) hay không trước ngày 15/10 tới. Ông Trump rõ ràng vẫn chưa từ bỏ ý định rút khỏi thỏa thuận mà các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 đều cho là vô cùng quan trọng này.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ "tát" đúng người, "ôm ấp" đúng người và sẽ thể hiện một nước Mỹ cực kỳ mạnh mẽ ở phần cuối”, Đại sứ Haley chia sẻ sau khi đọc bản thảo bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump sẽ “vừa đấm vừa xoa” LHQ?
Từ chỗ là một người chỉ trích khá gay gắt LHQ, ông Trump giờ đây đứng trước thách thức thuyết phục cơ quan này đứng về phía chương trình nghị sự của ông trong hàng loạt vấn đề toàn cầu.
Giờ đã là “một ngày mới” ở LHQ, Đại sứ Haley khẳng định. “LHQ đã chuyển biến trong những tháng gần đây, không còn chỉ nói nữa mà là hành động”, bà Haley chia sẻ với phóng viên trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Bà Haley cho rằng, LHQ giờ đây không còn “tập trung vào những dấu chấm phẩy” trong những bản nghị quyết “không nanh, không vuốt” nữa mà bắt đầu hành động mạnh mẽ hơn, dẫn chứng là các lệnh trừng phạt mới nhất với Triều Tiên.
“Sẽ không ai chỉ cười nói nữa”, bà Haley nói về những bức ảnh bắt tay xã giao. “Nước Mỹ sẽ hành động. Đây là lúc phải nghiêm túc, lúc nói về những thách thức và đảm bảo rằng sẽ có hành động giải quyết chúng”.
Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống, ông H.R. McMaster cho biết, ông Donald Trump cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy thông điệp “cải cách”, kêu gọi thêm “sự minh bạch và tính trách nhiệm” tại LHQ. “Tất nhiên, LHQ có tiềm năng rất lớn để hiện thực hóa những ý tưởng nền tảng của cơ quan này nhưng chỉ khi nó hoạt động hiệu quả hơn”, ông McMaster nhận định.
Những chính quyền trước của Mỹ đã từng thúc đẩy LHQ thay đổi nhưng không giống như thế, ông Donald Trump kêu gọi cắt giảm đóng góp tài chính của Mỹ cho cơ quan này. Ông Trump từng than phiền về việc Mỹ đóng góp tới 22% trong ngân sách của LHQ và gần 30% cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của tổ chức này.
“Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo nước ngoài dự đoán ông Trump sẽ có những lời lẽ khắc nghiệt với LHQ”, ông Richard Gowan, một chuyên gia về LHQ thuộc tổ chức Hội đồng châu Âu về quan hệ đôi ngoại (ECFR). Nhưng “họ sẽ dung thứ cho điều đó nếu ông ấy cân bằng bằng một vài thông điệp tích cực về hợp tác, và đặc biệt nếu ông ấy nhấn mạnh rằng ông ấy muốn thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho một số cuộc khủng hoảng lớn hiện nay”.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang nghĩ đến việc thu nhỏ quy mô phí đoàn ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh năm nay của LHQ. Các quan chức dưới quyền ông Trump cho rằng đây là biện pháp tiết kiệm chi phí song động thái này cho thấy nhiều điều hơn thế.
“Tôi nghĩ nó là một dấu hiệu cho thấy Mỹ xem Đại hội đồng LHQ kém quan trọng hơn nhiều so với thời Tổng thống Obama”, ông Gowan nhận định. “Điều đó mở đường cho các nhà lãnh đạo khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bước lên và nói rằng họ thực sự sẽ là người dẫn dắt LHQ ngày càng hiệu quả hơn từ bây giờ”./.
Theo VOV