Đó là 5 loại thảo dược mọc hoang dại, chỉ cần thu hái, sơ chế bằng cách phơi khô, rồi nấu lấy nước uống. Thỉnh thoảng, ngay trên các nẻo đường Cố đô Huế, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những người với đôi quang gánh trên vai hoặc đi xe đạp, phía sau chất đầy các bó lá thuốc này bán rao. Càng dễ tìm thấy hơn khi chúng ta vào các quầy bán hàng tạp hóa mây tre, chổi, lá... ở các chợ Huế. Tại đây, mọi người có thể tìm thấy một loại lá dạng kép chân chim (còn gọi là kép chân vịt) 6-8 lá phụ hình trứng thuôn ngược, mũi hơi nhọn, đính tỏa tròn trên đỉnh một cuống tròn dài 20-30 cm, người bán vẫn gọi là lá chim chim.
Chim chim là cách gọi trại từ chân chim. Cây chân chim, còn có tên là đáng, ngũ gia bì chân chim, là một loài cây gỗ rừng thường xanh, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae, với tên khoa học Schefflera octophylla. Cây thường mọc ở các khu rừng thứ sinh từ các tỉnh miến Bắc vào đến miền Trung.
Ở Thừa Thiên Huế, cây mọc rải rác từ Phong Điền vào đến núi Bạch Mã. Chân chim được xem là một loài cây dược liệu bản địa quý. Nhiều bộ phận của nó, đặc biệt là vỏ thân và rễ, có chứa một loại saponin có tác dụng chữa trị nhiều bệnh nội khoa. Trong Đông y, ngũ gia bì chân chim là một vị thuốc quý có tác dụng làm mạnh gân cốt, chống suy nhược thần kinh, tăng sức đề kháng, tăng cường trí nhớ, trừ phong, chữa đau nhức xương khớp, đau bụng, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt...
Từ lâu trong dân gian, ngũ gia bì chân chim được dùng như ngũ gia bì gai để điều trị các bệnh mạn tính ở người cao tuổi, bồi dưỡng sức khỏe, trị đau nhức khớp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Bộ phận thường dùng là vỏ thân và rễ, dưới dạng phổ biến là ngâm rượu. Theo Viện Dược liệu Việt Nam, ngũ gia bì chân chim có tác dụng bổ, chống viêm, lợi tiểu; chữa phong thấp, đau lưng, nhức xương, tê bại, trí nhớ kém, viêm, ngứa âm hộ, liệt dương, tiêu hoá kém, còi xương trẻ em, phù thũng, bí tiểu tiện, lở ngứa...
Ngoài tác dụng phục vụ bảo vệ sức khỏe cho con người, ngũ gia bì chân chim còn có tác dụng xua đuổi muỗi, tạo bóng và làm cảnh. Ngoài ra, cũng có một số bài báo tiếng Việt đăng tải trên mạng cho rằng Cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã nghiên cứu cho thấy ngũ gia bì chân chim còn có khả năng chống ô nhiễm môi trường không khí, khử được khí độc formaldehyd.
Thật ra, cây được NASA nghiên cứu là cây tương cận với cây ngũ gia bì chân chim, nó có tên khoa học là Schefflera arboricola, phân bố rộng rãi ở miền Bắc châu Mỹ. Loài ngũ gia bì chân chim là loài đặc hữu của vùng Đông Á, chúng tôi chưa tìm gặp được tài liệu chứng minh NASA đã thử nghiệm trên loài này. Tuy nhiên, đây là thông tin đáng lưu tâm, hiện ở Việt Nam có khoảng trên dưới 60 loài khác nhau thuộc chi Schefflera, nếu có những nghiên cứu theo hướng của NASA sẽ giúp ích cho cộng đồng rất nhiều, sẽ mở ra triển vọng có thêm những nguồn gen cây cảnh quý cung cấp cho mọi gia đình để vừa trang trí, vừa khử độc môi trường không khí, đặc biệt là khử các khí độc formaldehyd, benzen... do việc sơn nhà, sơn cửa tạo ra.
Có lẽ do những tác dụng này, ngũ gia bì chân chim và một vài loài tương cận ngày càng được giới chơi cây cảnh ưa chuộng; trồng làm cây tiểu cảnh trong chậu để vừa trang trí nội-ngoại thất, vừa tận dụng các tính năng bảo vệ môi trường của nó.
Ở Huế, cây ngũ gia bì chân chim xuất hiện trên một vài đường phố (Ngô Đức Kế, Nguyễn Chí Diễu, Xuân 68...) chủ yếu là do người dân trồng một cách tự phát, không theo quy hoạch, trong khi nó có tán gọn, lá đẹp, có tác dụng thanh lọc môi trường không khí, chống chịu các điều kiện khắc nghiệt khá tốt, chịu được gió bão, lại là cây dược liệu quý đáng được bảo tồn.
Theo tôi, nên nghiên cứu đưa vào danh mục cây xanh đô thị để thiết kế trồng ở một số vỉa hè và công viên.
Bài và ảnh: Đỗ Xuân Cẩm