Lực lượng công an phối hợp diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên sông Hương

Theo đó, công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Ở đơn vị tuyến đầu

Trung tuần tháng 9/2017, chúng tôi ghé Phòng Cảnh sát Đường thủy khi cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị nhằm kịp thời đề xuất sửa chữa, trang bị bổ sung phương tiện, nhiên liệu, phao cứu sinh, cứu đắm và các thiết bị cần thiết khác phục vụ công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trước mùa mưa bão.

Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy thông tin, ngay từ cuối tháng 6/2017, đơn vị đã xây dựng kế hoạch “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lụt và TKCN 2017”, đề ra công tác trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho toàn lực lượng. Trong đó, chủ động lập kế hoạch, dự trù phương tiện, nhiên liệu phục vụ công tác PCLB; tổ chức huấn luyện thuần thục cho cán bộ, chiến sĩ thao tác kỹ thuật lái ca nô ở vùng nước lớn, huấn luyện kỹ năng bơi cứu hộ trên sông.

Dự báo trước sự khắc nghiệt của thời tiết do biến đổi khí hậu, đơn vị chủ động khảo sát, nắm chắc tuyến, luồng lạch, khu vực trũng thấp, các đoạn sông thường xuyên sạt lở; tăng cường kiểm tra các phương tiện đò dọc, đò ngang, bến phà hoạt động trên địa bàn, nhắc nhở các chủ phương tiện chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông đường thủy; tổ chức tuyên truyền đến các hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp, đội thuyền du lịch chở khách du lịch, chủ đò ngang về công tác PCLB và cam kết đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão, không vận chuyển hàng hóa, hành khách khi bão lụt xảy ra. Đồng thời, kiểm tra tổng thể về việc cấp giấy phép, nhắc nhở các hộ nuôi cá lồng bè không lấn chiếm luồng lạch, đảm bảo an toàn giao thông khi mùa mưa lũ đến trên các tuyến sông. “Chúng tôi kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm đối với các trường hợp phương tiện cũ nát, không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo số lượng, chất lượng trang thiết bị an toàn; chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn”- Trung tá Lê Hồng Hà khẳng định.

Có phương án tối ưu cho từng địa bàn

Phòng chống tội phạm lợi dụng mưa bão

Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cử lực lượng trinh sát nắm chắc tình hình các đối tượng khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ ở đầu nguồn lợi dụng nước lũ kết bè đưa về hạ du để có kế hoạch đấu tranh; tuần tra khép kín địa bàn, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng hình sự lợi dụng bão lụt để trộm cắp tài sản nhà dân, công sở; tăng cường công tác kiểm tra, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường bị ngập, bến đò dọc, đò ngang, các cống ngầm qua sông, suối nhằm giảm thiểu các thiệt hại về người và vật chất.

Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Lực lượng Công an tỉnh đã có kế hoạch cụ thể, phân công lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp PCLB đến công an các địa phương, đơn vị với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Cùng với đó, đề cao tinh thần chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vượt khó, dũng cảm, tận tụy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong PCLB; chú trọng phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến đê, tuyến sông, cửa biển để tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các biện pháp PCLB, đảm bảo an ninh trật tự trong mọi tình huống khi có bão lũ xảy ra.

Các huyện Nam Đông, A Lưới là nơi đầu nguồn thường xảy ra lũ quét, lũ ống gây nguy hiểm cho người dân. Đại tá Nguyễn Minh Phương, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho Ban PCLB huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ dân cách phòng chống, có phương án khoanh vùng từng địa bàn thường bị lũ quét, vùng bị ngập sâu để có phương án cứu hộ, cứu nạn và sơ tán dân. Bên cạnh đó,  phối hợp với các lực lượng chức năng đến tới từng hộ gia đình kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống bão, nhất là giúp các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở để vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Tương tự, các huyện vùng cửa sông, thấp trũng như Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền… lực lượng công an cơ sở cũng đã có phương án tối ưu cho việc PCLB tại từng địa bàn cụ thể. Trong đó, yếu tố an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ yêu cầu PCLB, Công an tỉnh tổ chức hướng dẫn, kiểm tra phương tiện thông tin liên lạc của các đơn vị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ tốt yêu cầu chỉ đạo giữa các vùng nếu bị bão lũ chia cắt; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các vật tư PCLB, cơ số thuốc chữa bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho lực lượng tham gia PCLB. Hồ sơ tài liệu được quản lý tốt, có phương án di chuyển đảm bảo tránh bị hư hỏng, mất mát, không bị ướt và thất lạc khi có bão lụt xảy ra. Công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ được các đơn vị đặc biệt quan tâm, thường xuyên duy trì kiểm tra cửa khóa, tường rào, chuẩn bị dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đáp ứng yêu cầu công tác PCLB.

Bài, ảnh: Thái Bình