Bên cạnh thị trường truyền thống như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, trong đó Đức và Anh tăng ở mức 35,4% và 15,3% theo thứ tự, điểm đáng lưu ý ở đây là lượng khách đến từ 3 thị trường Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đạt con số tuyệt đối cao nhất và chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện Hàn Quốc đang trở thành thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, số lượt khách quốc tế đạt trên 8 triệu, tăng 29,7% so với 2016. 1.700 doanh nghiệp lữ hành, 21.000 cơ sở lưu trú với 420.000 phòng đón khách là một con số khác cho thấy sự phát triển ở lĩnh vực này.
Tất nhiên vẫn có sự khác biệt về ngày lưu trú, mức chi tiêu giữa các thị trường khách đến, song sự tăng trưởng này một mặt cho thấy những tác động cơ bản về một điểm đến an toàn, ổn định và sự “tiềm ẩn” trong khai thác các sản phẩm du lịch của Việt Nam. Mặt khác, là vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư có chiến lược và thương hiệu; sự phát triển về năng lực, cơ sở hạ tầng, đội ngũ quản trị, quảng bá cũng như tính năng động của các địa phương trong việc xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược hơn, xã hội hóa tốt hơn với sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong một hội thảo khác vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua tại Hội An, 10,2% là con số từ Tổng cục Du lịch đưa ra về tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Riêng trong năm 2016, chúng ta đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng đạt 26% và tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, tương đương 18 tỷ USD và đóng góp trực tiếp của du lịch ước đạt 6,8% GDP.
Tiếp tục nghiên cứu các thị trường truyền thống và tiềm năng, xây dựng các sản phẩm và gói sản phẩm du lịch có chất lượng trên nhiều loại hình, phương thức cũng như tính chuyên nghiệp để đáp ứng được các nguồn khách du lịch... là những vấn đề vừa có tính trước mắt lại vừa có tính chiến lược lâu dài, trong một tâm thế luôn thay đổi và làm mới. Trong một góc nhìn hẹp, điều cần quan tâm ở đây còn là vấn đề đặt ra đối với việc chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên, nhất là những ngôn ngữ không phổ biến để nâng khả năng tiếp cận cũng như chất lượng phục vụ. Đó cũng là một cách lâu dài và vững bền trong tăng trưởng.
Điều này có thể không khó với một số địa phương có sự phát triển mạnh về lượng khách và nguồn khách như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng... song với Thừa Thiên Huế, cũng là điều cần có sự “chuyển hướng” trong thu nhận, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) ở các ngôn ngữ này. Một thông tin cho hay, nếu năm 2016, tại Huế chỉ có 8 người được cấp thẻ HDV tiếng Hàn, 5 HDV tiếng Thái, 25 HDV tiếng Đức và không có HDV tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Italia thì nay, số HDV tiếng Hàn đã là 14, HDV tiếng Thái 25, Nga 32, Tây Ban Nha 8 và HDV tiếng Italia có 1.
Hoàng Mai