Nhiều bài dự cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” được đầu tư công phu

“Bạn tôi, tên Lào là Jiep, tên Việt Nam là Hằng. Mặc dù chúng tôi quen biết nhau khi học chung năm nhất đại học, nhưng mãi hết năm hai, tôi mới biết cô ấy đến từ phía bên kia dãy Trường Sơn, từ xứ sở hoa Chăm Pa xinh đẹp. Một phần vì tiếng Việt của cô ấy quá giỏi  nên tôi chẳng để ý rằng, cái nước da ngăm ngăm ấy là đặc trưng của con gái Lào, giản dị, mộc mạc mà cũng rất mặn mà. Chúng tôi may mắn được sinh ra trong thời bình, vào thời điểm mà hai nước Việt – Lào đã gắn bó với nhau qua một chặng đường dài lịch sử đầy khó khăn, thử thách. Chính vì thế mà tình bạn giữa chúng tôi có phần đặc biệt hơn, đặc biệt từ những nét văn hóa tương đồng cho đến truyền thống hữu nghị lâu đời của hai đất nước”. Đó là tình cảm của chị Nguyễn Thị Bích Châu, giảng viên Anh ngữ - Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh khi nói về người bạn Lào của mình.

Xuất phát từ tình bạn đẹp, Bích Châu đã nói lên tình cảm sâu nặng với đất nước Lào xinh đẹp. “Cuộc thi đã cho tôi thêm cơ hội được chia sẻ những đồng cảm trong quan điểm sống và nét tương đồng về ý chí, hành động. Tôi và người bạn Lào đã cùng trải nghiệm, ăn thử nhiều món ăn của hai đất nước và cùng mặc chung tà áo dài truyền thống của cả Việt và Lào để cùng bày tỏ quan điểm của mình. Tình cảm đẹp của chúng mình ví như tình cảm keo sơn gắn bó, bền vững giữa hai đất nước Việt – Lào vậy”, Nguyễn Thị Bích Châu chia sẻ.

Trong hàng trăm bài dự cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với phần dự thi viết bằng tay dày hơn 50 trang của Nguyễn Thị Kim Tiến, chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Nam Đông. Từ hình ảnh người bố từng sống, chiến đấu trên đất nước bạn Lào, Kim Tiến đã khắc họa đậm nét những tình cảm của người dân các bộ tộc Lào dành cho bố mình và quân tình nguyện Việt Nam. “Bố tôi kể, trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, sống trong chốn rừng thiêng, nước độc, nhưng điều ấn tượng với ông và đồng đội thời kỳ đó chính là tình cảm chân thành, nồng hậu của Nhân dân nước bạn Lào đối với quân tình nguyện Việt Nam. Mỗi lần có dịp hành quân qua làng, bản, bà con các bộ tộc Lào chào đón bộ đội Việt Nam như những người con thân thiết trở về quê hương, với gia đình, luôn tạo điều kiện cho các chiến sĩ tình nguyện ăn, ở tốt nhất. Chính điều đó đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, là niềm động viên để những người lính như bố tôi vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”, Kim Tiến sẻ chia.

Bằng ngôn ngữ mộc mạc, chân chất, giản dị, Kim Tiến đã phân tích, làm rõ và khẳng định vì sao hai dân tộc Việt Nam – Lào phải yêu thương, gắn bó chặt chẽ với nhau. “Tự đáy lòng mình tôi vô cùng tự hào và ngưỡng mộ lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của hai dân tộc. Tôi nguyện phấn đấu, quyết tâm học tập, làm việc hết sức mình, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp láng giềng hữu nghị Việt – Lào  “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững””- Kim Tiến bộc bạch.   

Ông Hồ Văn Ty, người dân tộc Pa Cô, đảng viên chi bộ thôn 5, Đảng bộ xã Hồng Tiến (Hương Trà) đến với cuộc thi bằng tình cảm đặc biệt với những người dân bạn Lào. “Là một nông dân, nhưng tôi vẫn hiểu rằng, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt  - Lào đã có từ lâu. Trong những lúc gian khó, cả hai dân tộc cùng chung sức, chung lòng, cùng chung chiến hào”, ông Ty khẳng định.

Trong suy nghĩ của ông Ty, biểu hiện sinh động nhất về mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào chính là qua tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trong kháng chiến. Trong những năm ác liệt, gian khó, điều quý nhất ở bạn là tấm lòng chân thật, trong sáng, ngay thẳng, không nề hà vất vả, hy sinh và tuyệt đối tin tưởng vào cán bộ, bộ đội Việt Nam. Bà con dân tộc Lào đã chia ngọt, sẻ bùi, dành từng củ khoai, củ sắn cho bộ đội, Nhân dân Việt Nam.

Theo ông Phùng Văn Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đến thời điểm này, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế; các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành cuộc thi và chọn những xuất sắc gửi dự thi cấp tỉnh.

Dự kiến, từ 1-20/10, Ban Giám khảo cuộc thi tỉnh tiến hành chấm bài, công bố kết quả, lựa chọn những bài dự thi có số điểm cao nhất gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương.  

Bài, ảnh: Anh Phong