Thông tin từ An ninh Thủ đô cho hay, trong 3 ngày từ 2 đến 4/9, lượt khách đến Hà Nội tăng 13% so với cùng kỳ, với con số cụ thể là 233.866. Quảng Ninh có trên 66.000 lượt, tăng 10%. Thanh Hóa có 150.000 lượt. Ùn tắc là điều đã diễn ra ở Tam Đảo, Sapa, Mộc Châu, Mẫu Sơn... Người ta có thể trông thấy hình ảnh của những bãi tắm ken đặc và chật như nêm ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng hay Nghệ An trên các trang báo mạng được cập nhật thường xuyên trong thời gian đó. Đó cũng là lý do khi nhiều người cảm thấy may mắn vì không tham gia vào dòng người đang ùn ùn đổ về các điểm du lịch, không phải chờ đợi, xếp hàng và thay vì thư giãn và nghỉ dưỡng phải hứng chịu những bực bội không cần thiết.

Thực tế này cho thấy, việc thiếu thông tin và du lịch ngẫu hứng là một căn nguyên đến từ phía khách hàng. Đó cũng là một cách “mua” những chuyến đi rất mù mờ, được chăng hay chớ và đôi khi người ta lại đổ cho hên xui. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt lại là các công ty, doanh nghiệp, cơ sở du lịch... đã quản lý điểm đến như thế nào về năng lực phục vụ, sức chứa trong sự dung hòa với chất lượng điểm đến để du khách có trải nghiệm tốt. Hoặc ít ra là chấp nhận được. Đó cũng là một cách quản lý khôn ngoan để vừa có nguồn thu tốt, vừa là một cách quảng bá để hút và đón khách trở lại thông qua sự lan tỏa. Beach Bar ở Phú Vang là một ví dụ với số đông khi người đi tắm biển khó tìm được chỗ nếu không đặt trước.

Trong khi rất nhiều địa phương hào hứng đưa ra những con số báo cáo về lượt khách đến, về sự tăng trưởng trong những thời điểm nhất định, không ít người đã cảnh báo về sự quá tải này. Không nên vội mừng khi quá tải du khách là ý kiến của TS.Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch - Viện đại học Mở Hà Nội. Theo ông, cần phải tránh tình trạng này với những ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên và xã hội, đến trải nghiệm của du khách và điều này, bên cạnh việc làm giảm chất lượng điểm đến còn tiềm tàng nguy cơ suy thoái...

Xem chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn như một giải pháp tối ưu trong phát triển ngành công nghiệp không khói, TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn lại chú trọng việc đòi hỏi những nghiên cứu cụ thể về thị trường tiềm năng, biết cách khai thác các tài nguyên sẵn có và biến tài nguyên tại các điểm đến thành các sản phẩm du lịch đặc sắc...

Thật ra, không phải các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ du lịch không biết điều này. Vấn đề là tại vì sao cũng chính những vấn đề đó, diễn ra hàng mùa, hàng năm, nhưng người ta vẫn để nó tồn tại? Có phải vì năng lực quản lý hạn chế hay vì chấp nhận những doanh thu mang tính ngắn hạn? Vì tác động của yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh nên trước tiên cứ mạnh ai nấy chạy rồi tính tiếp...?

Dẫu sao thì mục tiêu tăng lượt khách đến có vẻ như vẫn đang chiếm ưu thế hơn ở hầu khắp các địa phương, cho dù ai, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng đề cập đến chất lượng. Biết thế, lại nhớ câu “không vội mừng” của TS. Vũ An Dân.

An Di