Đã từ lâu, đây là nơi đang hội tụ nhiều địa chỉ văn hóa, tiêu biểu như: Trung tâm Dịch vụ Festival Huế, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà Trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị... Đáng nói là, các điểm văn hóa tuy rất phong phú nhưng các giải pháp khai thác lại đang manh mún, riêng lẻ và chưa có yếu tố kết nối khu vực. Việc khai thác các không gian công cộng cũng chưa phát huy hiệu quả.

Sẽ không có thêm một công trình mới nào xuất hiện mà chủ yếu ở đây là sự chỉnh trang, sắp xếp lại. Chẳng hạn, khu vực đất của Công ty Hương Giang đang kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau, như nhà hàng, ẩm thực, đại lý vé máy bay… sẽ được chấn chỉnh lại cho phù hợp với không gian văn hóa Huế. Hệ thống tường rào của của các tòa nhà, các cơ sở kinh doanh sẽ bị tháo bỏ; hệ thống đèn chiếu sáng sẽ được xây dựng lại để đảm bảo kết nối hệ ánh sáng của cầu Trường Tiền và hai không gian Công viên 3/2 và Công viên Lý Tự Trọng; toàn bộ cây xanh cũng được cắt tỉa lại. Có nhiều mục tiêu hướng đến và điều khiến tôi cũng như rất nhiều người tâm đắc là công việc chỉnh trang, sắp xếp lại lần này nhằm tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận với sông Hương.

Là một trong số những tuyến đường lâu đời nhất ở bờ nam sông Hương, phố Lê Lợi, còn có tên gọi trước đó là Jules Ferry, Lê Thái Tổ và được dân gian nhắc tới là đường Thủy sư hay Tòa Khâm, nổi tiếng đẹp nhất Cố đô với hàng cây xanh trải dài và những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng như Trường Quốc Học, nhà thương Huế… đã ăn sâu vào tiềm thức và tình cảm của bao người, khi dạo bước trên đường phố Lê Lợi một thời là được hít thở ngọn gió mát trong lành và tận mắt ngắm nhìn dòng sông Hương huyền thoại đã trở thành niềm tự hào của vùng đất núi Ngự, sông Hương.

Sắp xếp lại đường phố Lê Lợi nằm giữa hai cầu Trường Tiền và Phú Xuân được xem là một phần của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương” được triển khai từ tháng 9/2015 do cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau, những giá trị văn hóa cảnh quan đôi bờ sông Hương chưa được phát huy, thậm chí còn bị xâm hại. Mục tiêu của dự án là thiết lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch theo hướng phát triển từng khu vực: hạ du, khu qua trung tâm thành phố Huế và vùng thượng du nhằm cải tạo, xây dựng mới các công trình, gắn kết cảnh quan, phát triển các khu du lịch ven sông, đảm bảo các yếu tố thân thiện môi trường... Tôi nghĩ, đã có một sự tôn trọng cần thiết dành cho dòng sông Hương và đó là điều cho phép ta đặt vào đây niềm hy vọng .

Trở lại với tuyến đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân. Cùng với sự sắp xếp và chỉnh trang, có không ít ý kiến bày tỏ niềm tin về sự ra đời một phố bảo tàng trên đường Lê Lợi. Hơn thế, là ý kiến cho rằng từ việc hình thành không gian văn hóa bên bờ sông Hương hứa hẹn sẽ khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của thương hiệu Huế để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú, tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch khu vực trung tâm, kết hợp khu phố Tây tạo tiền đề mở rộng cho toàn tuyến đường Lê Lợi. Bị hấp dẫn, nhưng tôi lại sợ sự gồng gánh sẽ đánh mất cái không gian văn hóa mà ta vừa vén lên và mới được hé lộ kia. Sự hấp dẫn của những con đường như Lê Lợi nằm ở phía dòng Hương Giang, hãy học cách mở toang, tiếp cận với dòng Hương, tạo nên ở đây sự thông thoáng.

ĐAN DUY