Cần chính xác trong thống kê số lượng khách du lịch

Theo thống kê từ Sở Du lịch, trong tháng 7 lượng khách đến Huế tăng 27,24% và tháng 8 là 26,78%. Tính cả 8 tháng của năm 2017, lượng khách đến Huế du lịch đạt hơn 2,5 triệu lượt. Nhờ hai tháng vừa rồi, lượng khách cộng dồn cả 8 tháng đã tăng 10,44% so với cùng kỳ, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm là 10 - 12%, dù cách đó hai tháng, khi công bố số liệu 6 tháng đầu năm, ngành du lịch còn lo lắng không thể đạt được cột mốc này.

Lượng khách tăng mạnh trở lại là tín hiệu đáng mừng. Nhưng điều khiến nhiều doanh nghiệp và dư luận quan tâm là cả 6 tháng đầu năm, khách đến Huế chỉ tăng 1,68%, dù đây còn thời gian mùa du lịch quốc tế. Qua tháng 7 và 8 là mùa thấp điểm khách quốc tế, các dòng khách châu Âu, Bắc Mỹ có xu hướng giảm và chỉ tăng mạnh trở lại vào dịp giáng sinh và đầu năm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lượng khách tăng như thế là cao hơn so với thực tế.

Đồng tình với ý kiến này, Hội Lưu trú cho hay, số liệu mà hội nắm được ở các thành viên thì lượng khách đến Huế và lưu trú khá thấp, chỉ tăng vào khoảng 5 - 6%. Cục Thống kê tỉnh thông tin, số lượng khách lưu trú ở Huế trong tháng 7 và 8 đạt tăng khoảng 4%. Nếu khách tăng mạnh như thế cũng có thể do khách đến Huế tham quan, chứ không lưu trú. Quản lý Khách sạn T.T ở đường Nguyễn Công Trứ cho hay, khách đến lưu trú ở khách sạn năm nay chỉ đạt ngang mức so với năm ngoái; khách sạn T.B ở đường Nguyễn Sinh Cung cũng cho biết, lượng khách vẫn giữ ở mức như các năm trước.

Vậy, ngành du lịch đã dựa vào những cơ sở nào để cho ra những con số được xem là “hoành tráng” như hai tháng vừa qua. Theo Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm và nhiều năm qua, số lượng khách du lịch được tổng hợp từ số pháp chế do Cục Thống kê tỉnh cung cấp (số khách lưu trú có đăng ký), cộng với 50% số khách tham quan các di tích và khách tàu biển. Đây là ba con số “cứng”, có số vé bán ra và số khách đặt phòng lưu trú.

Sở Du lịch thừa nhận, cách tính này chưa sát với thực tế, vì còn rất nhiều nguồn khách khác không được thống kê vào, hoặc có cũng mang tính ước chừng. Có nhiều khách không tham quan di tích, không lưu trú, nhưng vẫn đến Huế. Như khách đi tắm suối ở Phú Lộc, mỗi ngày đón lên đến vài ngàn lượt, chủ yếu là khách ở Quảng Nam và Đà Nẵng... Ngay cả khách lưu trú, còn bỏ sót khá nhiều vì các cơ sở không báo cáo với cơ quan chức năng. Việc thống kê này còn khá rập khuôn, nên sau khi số liệu 6 tháng đầu năm, các bên liên quan đã cùng tính toán lại cho chính xác hơn. Ngoài ra, tháng 7, 8 là mùa cao điểm khách nội địa nên mới có con số tăng 26, 27% như hai tháng vừa qua.

Theo giải thích của Sở Du lịch, đây là những con số tăng trưởng đáng để vui mừng. Lãnh đạo Sở Du lịch chứng minh thêm, so với Đà Nẵng, Huế không bằng cả số lượng khách và ngày lưu trú. Nhưng có một con số phải cần nhìn nhận chính xác, khi ngân sách đóng cho Nhà nước từ dịch vụ lưu trú  cũng chỉ ngang bằng, hoặc có nhỉnh hơn không đáng kể. Ở Huế, năm qua các cơ sở lưu trú đóng ngân sách vào khoảng 300 tỷ đồng.

Hiện nay, chưa có công thức để tổng hợp số lượng khách chính xác, chủ yếu mang tính tương đối. Ngành du lịch Huế cần chủ động hơn, sớm có công thức tính toán để hạn chế sai số. Bằng cách kết hợp và tham khảo từ nhiều phía, chứ như thống kê vừa qua, không hề tham khảo qua số liệu từ Hội Lưu trú.

Xét về khía cạnh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư thì luôn ưu tiên sự chính xác tuyệt đối. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Huế phân tích, nhà đầu tư nào cũng thế, họ không bao giờ bỏ tiền mà chịu sự rủi ro. Để quyết định đầu tư vào một nơi nào đó, “đội’ nghiên cứu, đánh giá thị trường của các nhà đầu tư phải đi đầu tiên. Như phân tích ở trên, nếu nguồn khách đến Huế tăng mạnh, chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư nhiều hơn. Nhưng ở đây có hai mặt, nếu quá trình điều tra thị trường không đúng như số liệu công bố thì họ sẽ mất niềm tin và không còn muốn đầu tư nữa.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG