Ông Nguyễn Đình Đức

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng sạt lở, triều cường trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây?

Những năm trở lại đây, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân; xâm thực ngày một có dấu hiệu nặng hơn. Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm các đợt sóng với độ cao hơn trước, biển xâm thực hàng năm vào đất liền từ 5-10m, trên chiều dài khoảng 30km toàn tỉnh.

Vùng đầm phá, các cửa sông, đê bao thì hệ thống kè đã được tỉnh đầu tư khá nhiều nhưng còn một vài vị trí đầu nguồn sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu (khoảng 40km) chưa có kinh phí xây dựng nên thời gian gần đây sạt lở tương đối nặng.

Các tuyến đê đầu tư đã lâu, nền đất yếu và cốt nền bị lún, thấp hơn trước khi xây dựng từ 10-20cm như ở vùng Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc nên hiện nay việc sản xuất rất khó khăn. Cụ thể, vụ đông xuân các đê bao nội đồng thấp, không kín để tiêu úng dẫn đến một số nơi trễ mùa vụ; vụ hè thu nếu có lũ sớm, lũ tiểu mãn thì những tuyến đê này sẽ bị xói lở, vỡ đê dẫn đến thiệt hại trong nuôi trồng.

Vậy nguyên nhân sạt lở trên diện rộng ở nhiều địa phương, nhất là vùng biển, đầm phá?

Càng lúc tình trạng BĐKH ngày một rõ nét hơn. Mưa trong những năm qua với tần suất rất lớn nhưng diễn ra chỉ trong thời gian ngắn dẫn đến hiện tượng xói lở, vùng cửa sông, mép sông diễn biến mạnh mẽ hơn. BĐKH cũng dẫn đến triều cường ngày một cao, trong khi các tuyến đê trọng yếu đầu tư lâu, cao trình đã “lạc hậu” làm tình trạng xói lở, xâm thực ảnh hưởng sản xuất.

Một nguyên nhân nữa là những vùng đã xảy ra sạt lở với tần suất lớn như Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc), Vinh Thanh (Phú Vang) đều đã bị sạt lở qua nhiều năm nhưng do khó khăn kinh phí nên chưa có giải pháp để cứng hóa tuyến đê, kè ở các địa phương đó dẫn đến sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn.

Hiện nay, sạt lở biển, sông đầm phá đang diễn ra trên chiều dài khoảng 70km, với 10 điểm nghiêm trọng. Do sạt lở nhiều điểm, chúng ta không thể đủ nguồn lực đầu tư đồng bộ, dẫn đến cứng hóa chỗ này thì sạt lở chỗ khác. Đối với vùng cửa sông hiện nay, sạt lở gia tăng do tình trạng khai thác cát dẫn đến thay đổi dòng chảy và nguồn phù sa bồi đắp ít trên các con sông.

Người dân dựng lại lán trại tại bãi biển Thuận An sau bão số 10. Ảnh: Lê Thọ

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu, nguy hiểm phải di dời. Kế hoạch di dời, tái định cư (TĐC) cho những hộ dân này triển khai đến đâu, thưa ông?

Những hộ dân nằm trong vùng sạt lở, nguy hiểm phải di dời các địa phương đều có phương án cụ thể. Tuy nhiên, để di dời các hộ này, hiện chúng ta đang đối diện với nhiều khó khăn. Việc TĐC cho các hộ dân phải đảm bảo hạ tầng tốt, cuộc sống ổn định hơn nơi ở cũ; địa điểm TĐC phải gắn với nghề mà các hộ dân đang sống. Không thể TĐC mà cắt “đường sống” của người dân được.

Các hộ dân này đa số đều có cuộc sống khó khăn. Với sự hỗ trợ vài chục triệu đồng/hộ như hiện nay, người dân không thể làm nhà nơi vùng TĐC được. Bởi vậy, việc di dời phải có lộ trình, ưu tiên cho vùng sạt lở nặng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân.

Cụ thể, xã Quảng Công, Hải Dương hiện nay đã bố trí các khu TĐC An Lộc, Hải Thành, Cồn Đâu. Các vùng ảnh hưởng sạt lở ven đầm phá, cửa sông đến nay do kinh phí khó khăn nên chỉ lồng ghép các hộ bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp vào trong các khu dân cư chứ không thể xây dựng khu TĐC được.

Ngành đã tham mưu như thế nào với tỉnh trong vấn đề xác định các vùng trọng điểm sạt lở để đầu tư?

Sở NN&PTNT đã tham mưu cụ thể với tỉnh trong việc nghiên cứu, chỉ rõ tính cấp bách của từng địa điểm cụ thể đối với hiện trạng sạt lở để đề xuất Trung ương cấp nguồn vốn xây dựng.

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng sạt lở không nghiêm trọng như vùng ĐBSCL với hiện tượng sạt lở “kép”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có các giải pháp về đầu tư lâu dài, trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn thì tình trạng sạt lở ngày một ảnh hưởng trên diện rộng hơn.

Hiện các ban, ngành cũng đang đề xuất xây dựng kè ở vùng biển Vinh Hải (Phú Lộc). Trong đó, sẽ đề xuất làm kè với cọc giữ phần chân, cho cát tràn tự nhiên lên trên chứ không làm kè mái cứng hóa như nhiều điểm khác. Kè cứng hóa vừa tốn kinh phí nhưng cứng hóa điểm này sẽ gây sạt lở điểm khác.

Qua nghiên cứu một số nơi như kè biển Phú Thuận, Quảng Công, ở những điểm gia cố phần chân thì qua thời gian cát sẽ bồi lên chứ sóng không hút cát hỏng chân gây sạt lở như nhiều điểm khác. Đây chỉ mới là giải pháp đề xuất đối với kè biển Vinh Hải, nếu thành công sẽ ứng dụng vào các vùng khác.

Ngoài ra, một số địa phương như Phú Lộc, Quảng Điền đang triển khai trồng cây dứa, dương - loại cây nhanh phát triển, rễ bám khá sâu. Tuy nhiên, ở một số điểm khi cây còn nhỏ thì bị sóng biển cuốn đi nên phương án xây kè là tối ưu hơn cả.

Trong khi nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, giải pháp của ngành trước mắt và lâu dài là gì?

Đầu tư đê kè tuyến biển, sông, đầm phá chủ yếu dựa vào nguồn lực Trung ương, chứ địa phương không thể đủ ngân sách làm việc này. Trước mắt, để đảm bảo cuộc sống người dân thì ở những vị trí xung yếu nhất, chính quyền địa phương phải chủ động huy động, cân đối mọi nguồn lực để xây dựng đê kè cứng hóa hoặc đắp bao cát tạm thời. Tỉnh cũng nên tranh thủ các nguồn khác như khắc phục bão lụt, chống BĐKH, ODA… khắc phục, xây dựng đê kè ở những vùng trọng điểm, tần suất sạt lở mạnh và đông khu dân cư.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh đã có quy hoạch cụ thể về cứng hóa hệ thống đê kè, đê bao. Trong đó, phân kỳ đầu tư để trên cơ sở đó huy động các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và các nguồn khác.

Trong các năm 2016-2017, đã đầu tư xây dựng một số tuyến đê, kè sông Đại Giang, đê phá Quảng Lợi, đê Hói Tôm Phong Chương và đê Tây phá Tam Giang.

Trước tình trạng sạt lở biển đang diễn ra phức tạp, trên diện rộng hiện nay, UNND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa vào chương trình nâng cấp đê biển, để có kế hoạch đầu tư xây dựng, hiện đang được các cơ quan chức năng quan trắc, theo dõi, diễn biến xâm thực bờ biển để có phương án đầu tư cụ thể. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án, đầu tư còn dang dở; tiếp tục đầu tư 136km đê biển còn lại và 137 cống trên đê chưa được nâng cấp.

UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư trước mắt với 20km với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông Bồ, sông Hương đoạn qua địa bàn các huyện, thị: Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại các xã Phú Thuận, Vinh Hải, Quảng Công.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HÀ NGUYÊN (Thực hiện)