Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 đã được các nhà chuyên môn chỉ ra với nhiều nguyên nhân. Ảnh: Internet

1 - Sự thất bại liên tục của các đội bóng Việt Nam tại các đấu trường trong khu vực nhiều năm qua và mới đây nhất là thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 đã được các nhà chuyên môn, nhà bình luận chỉ ra với nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó chính là V-League. Điều này nghe qua tưởng như không thuyết phục bởi những cầu thủ trẻ thì liên quan gì đến V-League? Nhưng nếu như nhìn kỹ lại, hầu hết các cầu thủ trẻ của U22 Việt Nam đều đang chơi ở V- League hoặc hạng Nhất. Không những thế, họ còn là những trụ cột, những ngôi sao của giải đấu.

Tuy nhiên, V- League có phải là một môi trường tốt để các cầu thủ trẻ phát triển hay không lại là vấn đề khác. Còn nhớ, khi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lên chơi cho Hoàng Anh Gia Lai ở V-League mùa bóng 2015, họ đã bị “ngợp” trước sự khắc nghiệt  giải đấu này. Còn bầu Đức thì nhận ra ngay rằng, môi trường bóng đá trong nước không phù hợp để các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai phát triển tài năng. Gần như ngay lập tức sau mùa bóng này, ông đã gửi các cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản của mình sang Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Xuân Trường tồn tại được ở môi trường thi đấu nước ngoài.

Trở lại với nguyên nhân thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 22, BLV Quang Huy nhận định: "Sai lầm của U22 Việt Nam là phần nổi của vấn đề. V-League chỉ là "võ đài" không có thực chiến, số trận đấu "thực sự" rất ít. Các cầu thủ giống những võ sĩ quen đấu biểu diễn hơn. Không có thực chiến, không có căng thẳng, cầu thủ không thể có bản lĩnh vững vàng".

Rõ ràng, đấu trường V-League đang có vấn đề với những trận đấu chủ yếu trên bàn giấy. Cầu thủ trẻ vốn như một tờ giấy trắng, những “vết mực” từ trò chơi gian dối của một nền bóng đá thiếu trung thực rất dễ làm vấy bẩn tâm hồn và nhận thức của họ.

2 - Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì ai cũng mong muốn được chơi bóng ở V-League và các cổ động viên cũng đều mong muốn đội bóng con cưng được thi đấu ở V-League. Đó cũng là lý do tại sao những cổ động viên của Huế, Đồng Tháp hay một số đội bóng khác buồn rười rượi khi đội bóng con cưng của mình vẫn lẹt đẹt ở hạng Nhất.

Điều này cho thấy V-League vẫn rất có giá. Theo con số của VPF đưa ra, một câu lạc bộ muốn chơi ở V-League phải có một tài khoản là 35 tỷ đồng bao gồm cả ngân quỹ hoạt động cho đội 1 và hệ thống đào tạo trẻ từ U11, U13, U15, U17, đến U19... Tất nhiên, con số này chỉ là ước lượng. Nhưng theo cách tính của các câu lạc bộ, mỗi tuyến trẻ ấy là 30 cầu thủ/lớp, sẽ có khoảng 150 cầu thủ trẻ tại các lò đào tạo và cứ 2–3 năm, 30 cầu thủ trẻ nhất sẽ được thay thế bằng số lượng tương tự những người mới ở đầu vào. Bỏ qua giai đoạn chọn lọc, đào thải, với 200 ngàn đồng/cầu thủ/ngày, trung bình đội bóng sẽ phải chi khoảng 10–15 tỷ đồng/năm cho hệ thống đào tạo trẻ…

Còn nếu để vô địch V-League thì số tiền đầu tư còn phải nhiều hơn nữa. Ví dụ như Bình Dương để vô địch V-League 2014, họ tốn trên dưới 30 tỷ đồng để mua sắm cầu thủ.

Nhìn vào những con số mà đội bóng đầu tư để thi đấu ở V-League và cả những diễn biến của giải đấu này cho thấy đây vẫn là một giải đấu hấp dẫn, cạnh tranh gay gắt. Thế nhưng, những người trong cuộc thì vẫn chua chát thừa nhận căn nguyên trực tiếp và sâu xa thất bại của các đội tuyển Việt Nam là do V-League chất lượng quá thấp với nhiều nhức nhối, giả tạo.

Nghịch lý của V-League chính là ở đó…

PHI TÂN