Chưa đến 10% các công ty Australia đang chuẩn bị cho tương lai kỹ thuật số. Ảnh: SMH

Nhằm đánh giá các quốc gia chuẩn bị cho lực lượng lao động của họ trong tương lai như thế nào, tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) tiến hành khảo sát 35 nền kinh tế thế giới, trong đó có 12 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những nền kinh tế ở khu vực này được ghi nhận với mức trung bình 60,2 điểm trên thang điểm 100, tương đương điểm trung bình toàn cầu là 60 điểm.

Cụ thể, tổ chức nghiên cứu EIU xếp hạng New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc ở mức trên trung bình và nửa dưới của bảng xếp hạng là Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.

Bảng xếp hạng này bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn 88% dân số thế giới và 77% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Khảo sát nhấn mạnh, khả năng sáng tạo, phân tích, kinh doanh, lãnh đạo, kỹ năng liên ngành, công nghệ và kỹ thuật số, cũng như nhận thức công dân toàn cầu là những năng lực cốt lõi để đáp ứng nhu cầu trong tương lai đối với công việc và cuộc sống.

Cần kỹ năng

Chuyên gia tư vấn cấp cao của EIU, bà Trisha Suresh nhận định: "Một số quốc gia lớn hơn và đông dân hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng. Đây thật sự là lời kêu gọi cho các hành động cụ thể. Họ là những lực lượng lao động lớn, tuy nhiên lại có nguy cơ không thể cạnh tranh và không sẵn sàng cho những gì sắp xảy ra trong ngày mai".

Trung Quốc, nền kinh tế dự kiến sở hữu dân số làm việc lên tới 770 triệu người đến năm 2030, xếp thứ 31 trong bảng xếp hạng với mức điểm là 32,9. Ấn Độ, quốc gia với lực lượng lao động ước tính vào khoảng 620 triệu người, đứng thứ 29 với 41 điểm. Indonesia có 142 triệu lao động, được xếp thứ 34 với 27,9 điểm.

Ngược lại, New Zealand đứng đầu cuộc khảo sát toàn cầu với 88,9 điểm, trong khi Singapore đứng thứ 2 trong số các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 5 trên tổng số các quốc gia toàn cầu ở 80,1 điểm.

Bà Suresh, người phụ trách và giám sát quá trình biên soạn dữ liệu của bảng xếp hạng cho hay, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương thiếu "những chính sách đúng đắn" đối với công tác phát triển giáo dục. Mặc dù chính sách của họ có thể "phần nào đề cập đến" những kỹ năng cho tương lai, chúng lại "không toàn diện" và thường thiếu các cột mốc, kế hoạch hành động hay thực hiện đúng.

Nhiều trong số các quốc gia có thu nhập thấp này vẫn đang cố gắng để bắt kịp việc cung cấp nền giáo dục cơ bản, khiến họ bị hạn chế trong việc nhấn mạnh những kỹ năng định hướng trong tương lai. Có thể thấy, các quốc gia thu nhập cao đạt mức trung bình là 71,8 điểm, trong khi các quốc gia thu nhập thấp hơn chỉ đạt được 36,7 điểm.

Cũng trong bảng xếp hạng nói trên, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 28, với 42 điểm. Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta vẫn còn cách khá xa so với khu vực và thế giới. Trong tổng số 54,51 triệu lao động của Việt Nam tính đến quý I/2017, chỉ có 21,52% lao động có chuyên môn kỹ thuật trong lực lượng lao động.

Trong một động thái liên quan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, thách thức về việc làm trong kỷ nguyên số đối với Việt Nam ngày càng gia tăng, khi dự báo đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân 1,28%/năm, tương đương 728.000 người/năm; quy mô lực lượng lao động tăng từ mức 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025.

Cuộc khảo sát được sự ủy thác bởi Quỹ Giải thưởng Yidan, được nhà đồng sáng lập công ty công nghệ Tencent Holdings, Charles Chen Yidan thành lập hồi năm ngoái. Quỹ này nhằm công nhận và hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy phát triển giáo dục trên toàn thế giới, đồng thời trao 2 giải thưởng thường niên có trị giá 3,87 tỷ USD mỗi giải.

Năm nay, giải thưởng Yidan về Nghiên cứu giáo dục thuộc về Giáo sư Carol Dweck tại Đại học Stanford ở California, Mỹ bởi đóng góp của bà về "tư duy phát triển", vốn đã trở thành một khái niệm được thừa nhận rộng rãi trong lớp học, giúp trẻ em nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình. Bên cạnh đó, giải thưởng Yidan về Phát triển giáo dục được trao cho Vicky Colbert, người sáng lập và Giám đốc tổ chức Fundacion Escuela Nueva của Colombia, cho dự án sử dụng mô hình "lấy người học làm trung tâm", nhằm cung cấp giáo dục hiệu quả về chi phí, cho thấy hiệu quả trong việc thực hiện giáo dục chất lượng cao ở nhà trường tại các khu vực nông thôn

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei, Japan Trend & CNA)