Tận dụng sân vườn, anh Vẩy trồng sắn nhưng hiệu quả rất thấp
Cảnh nghèo đeo đẳng
 
Ông Lê Hồng Một ở thôn 2, xã Hương Sơn, than thở: “Cả gia đình 5 nhân khẩu, chỉ được cấp khoảng 2 sào, kể cả đất ở và đất sản xuất. Diện tích đó vừa đủ xây nhà và làm sân vườn, không thể trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Không có đất sản xuất, cả gia đình phải dựa vào nghề rừng, đi làm thuê, nhưng thu nhập bấp bênh nên cảnh nghèo đeo đẳng”. Hộ ông Đinh Minh Thái ở thôn 2 cũng có hoàn cảnh tương tự. Ông Thái cho biết, từ khi tách hộ đến nay đã mấy năm, gia đình chỉ được cấp 2 sào đất, không đủ để trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi nên đời sống khó khăn chồng chất. Mọi chi phí, sinh hoạt đều dựa vào nguồn thu nhập từ làm thuê, mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng.
 
Ông Trần Minh Hoạch, Văn phòng UBND xã Hương Sơn cho biết, thiếu đất sản xuất luôn là vấn đề nan giải đối với chính quyền và người dân địa phương. Toàn xã có khoảng 31 hộ đang thiếu đất sản xuất và 27 hộ chưa có đất sản xuất. Từ khi ra ở riêng, bình quân mỗi hộ chỉ được cấp khoảng 2 sào, chủ yếu trồng một số hoa màu, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo đời sống. Người dân phải đi làm thuê, hoặc khai thác lâm sản trái phép như đốt, chặt cây rừng làm củi, than để bán. Hầu hết, các hộ này đều có hoàn cảnh khó khăn và thuộc diện nghèo của xã.
 
Xã Thượng Lộ cũng có đến gần 100 hộ dân trong tổng số 284 hộ toàn xã đang thiếu đất, hoặc không có đất sản xuất. Ông Hồ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, phần lớn các hộ này đều rơi vào diện nghèo của xã. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ, thậm chí khai thác rừng trái phép. Tình trạng thiếu đất sản xuất khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, cảnh nghèo đeo bám quanh năm. Ông Hồ Văn Vẩy ở thôn Dỗi cho hay, anh lập gia đình từ năm 2007 và ra ở riêng từ năm 2008, được cấp một sào đất vừa đủ để làm nhà và sân vườn. Tận dụng sân vườn, anh Vẩy trồng sắn, trồng keo, nhưng do quỹ đất ít, lại pha cát nên kém hiệu quả. Từ 5 năm nay, gia đình anh phải làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Mong mỏi...
 
Ông Trần Minh Hoạch, Văn phòng UBND xã Hương Sơn cho biết, đầu tháng 4/2013 vừa qua, UBND xã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp cấp đất sản xuất cho bà con. UBND xã đề xuất Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông soát xét quỹ đất phù hợp để bàn giao cho địa phương quản lý, cấp cho người dân. Diện được ưu tiên cấp đất là những hộ chưa có đất, hoặc thiếu đất sản xuất. Theo nguyện vọng của người dân và đề xuất của UBND xã, bình quân mỗi hộ được cấp ít nhất 2 ha đất rừng và 2-3 sào đất vườn trồng hoa màu, cây ăn quả mới đảm bảo nhu cầu phát triển sản xuất. Ông Trần Minh Hoạch cho biết, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông cũng thống nhất việc cấp đất cho người dân trong năm 2013 theo đề xuất của xã.
 
Tại xã Thượng Lộ, ông Hồ Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, phần lớn hộ thiếu đất, hoặc chưa có đất sản xuất đều rơi vào những hộ tách ra ở riêng. Họ đều là những người vừa lập gia đình. Trong khi đó, rừng tự nhiên trên địa bàn khá lớn đến trên 10 ngàn ha, nhưng đất sản xuất chỉ trên 700 ha, kể cả trồng rừng kinh tế, cao su và vườn nhà. UBND xã kiến nghị cấp trên, các ban ngành rà soát những diện tích đất rừng phù hợp, xem xét giải quyết cấp cho dân sản xuất, bình quân mỗi hộ ít nhất khoảng 2 ha rừng và vài sào đất vườn để trồng cây ăn quả, hoa màu. Việc cấp đất rừng cho dân sản xuất, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần quản lý và bảo vệ rừng.
 
Ông Trần Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho rằng, hầu hết các hộ không có đất, hoặc thiếu đất sản xuất đều là những hộ mới tách ra ở riêng. Những hộ này chủ yếu mới chỉ được cấp đất ở khoảng 1-2 sào, chưa được cấp đất sản xuất. Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các địa phương đã làm việc với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Đông, bàn giải pháp cấp đất sản xuất cho dân. Ban Quản lý Rừng phòng hộ cũng đã quy hoạch khoảng 400 ha để ưu tiên cấp cho những trường hợp vừa mới tách hộ. Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 450 hộ thiếu đất sản xuất, tập trung ở các xã định canh định cư, nhất là Hương Hữu, Hương Sơn, Thượng Lộ. Như vậy, với 400 ha theo kế hoạch, dự kiến cấp cho dân vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con và chính quyền địa phương. Các cơ quan, ban ngành cần rà soát quỹ đất, xem xét giải quyết cấp cho dân đảm bảo nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.
Hoàng Triều