Điều kiện địa lý của vùng cát Phong Điền thích hợp đầu tư dự án điện mặt trời

Do đó, việc đầu tư dự án năng lượng tái tạo từ nguồn năng lượng mặt trời rất phù hợp với tiềm năng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như xu hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này còn hạn chế, nhất là sử dụng cho phát điện, đun nước nóng, sấy khô… Một trong những nguyên nhân cơ bản là giá sử dụng nguồn năng lượng này so với các nguồn năng lượng khác kém cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời và nhận thức của người dân còn hạn chế. Theo các chuyên gia, trong tương lai, khi việc khai thác các nguồn năng lượng khác như thủy điện, than đá…đã đến mức tới hạn thì nguồn năng lượng mặt trời là một tiềm năng lớn.

Đón đầu xu hướng khai thác nguồn năng lượng “xanh”, bền vững, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát tiềm năng trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thông báo công khai các địa điểm dành cho nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên cơ sở đề nghị của Sở Công thương. Đây được xem là cánh cửa chào đón các nhà đầu tư khai thác tiềm năng màu mỡ trong lĩnh vực này. Hướng phát triển này cũng phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo công bố, trên địa bàn tỉnh có 2 khu vực: Phong Điền và Phú Lộc phù hợp để đầu tư dự án điện mặt trời. Trong đó, huyện Phong Điền có 4 địa điểm, gồm: xã Điền Môn, Điền Hương với diện tích 127ha; xã Phong Chương, Phong Hiền và Phong Hòa, mỗi điểm có cùng diện tích 100ha. Khu vực huyện Phú Lộc có vị trí nằm ở 2 xã Lộc Thủy và Lộc Tiến thuộc Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô với diện tích 170ha.

Đây là những vị trí được nghiên cứu, khảo sát có cường độ bức xạ mặt trời khá cao với mức trên 3kWh/m2/ngày và số giờ nắng cao, từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Với điều kiện về bức xạ, giờ nắng trung bình trong năm, đây là những vùng đạt các tiêu chí để sử dụng các dàn pin mặt trời cho hiệu quả tốt, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời.

Thực tế, những vùng đất cát nội đồng, trong đó có các khu vực được “nhắm” kêu gọi đầu tư dự án điện mặt trời suốt nhiều năm qua vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Nhiều vùng đất cằn cỗi, khó thích nghi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt bị bỏ hoang, gây lãng phí đất đai. Một số vùng cát nội đồng đang được thu hút đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch, song chưa nhiều.

Diện tích trồng rừng phòng hộ vùng cát nội đồng, ven biển đã được chú trọng phát triển, nhưng tỷ lệ phủ xanh chưa nhiều, chưa đồng đều. Do đó, bên cạnh kết hợp ưu tiên phát triển kinh tế, thực hiện các giải pháp để ngăn tình trạng cát bay, cát nhảy, sa mạc hóa, việc kêu gọi đầu tư dự án năng lượng điện mặt trời sẽ mở ra cơ hội cho vùng cát nội đồng, ven biển ở Phong Điền, Phú Lộc.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên