Không phải đến khi có Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, mới có ban đại diện cha mẹ học sinh mà hoạt động này đã hình thành từ rất sớm, gắn với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Hội phụ huynh học sinh (nay gọi là ban đại diện cha mẹ học sinh) là cầu nối giữa nhà trường, thầy cô với các bậc phụ huynh, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học; đồng thời, tổ chức các hoạt động tri ân, động viên vật chất, tinh thần đối với sự nghiệp trồng người của thầy cô giáo…

Trong công tác xã hội hóa giáo dục thì vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh lại càng cần thiết. Tuy nhiên, do cách tổ chức, hoạt động thiếu sự chặt chẽ nên đã xảy ra nhiều tồn tại gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Tiếng là ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu chỉ định; bởi không phụ huynh nào muốn vào ban đại diện, mà cứ thoái thác. Đó là một thực tế đang diễn ra tại các buổi họp phụ huynh đầu năm học tại các trường. Đã là ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng lại không nhớ mặt phụ huynh, hoàn cảnh của từng người. Đó là một thực tế, đặc biệt là ở thành phố, các trường có học sinh trái tuyến… Đây là một trong những nguyên nhân khiến vai trò của đa số hội cha mẹ học sinh không phát huy hiệu quả, cũng như để phát sinh nhiều khoảng đóng góp  quá sức với hoàn cảnh của nhiều phụ huynh.

Tâm lý của ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo ai cũng muốn bộ mặt trường lớp của mình khang trang trang, đầy đủ cơ sở vật chất để dạy học. Nhiều phụ huynh có điều kiện, thu nhập cao cũng muốn nơi học tập của con em mình có đầy đủ tiện nghi, nên đã không quản đóng góp, ủng hộ. Song, do nóng vội, cào bằng nên hình thức tự nguyện đã biến thái, thành ra bắt buộc. Chẳng hạn như Trường tiểu học Vĩnh Ninh, TP. Huế cùng một lúc vừa cải tạo một phòng học, thay mới 30 tivi và các dụng cụ bếp ăn bán trú… nếu chia khoản đầu tư này ra nhiều năm thì mức đóng góp sẽ không cao đến thế. Ở một số trường khác cũng cùng một lúc thay mới máy điều hòa, máy chiếu… khiến khoản đóng góp tự nguyện cao gây bất bình trong phụ huynh.

Ngày 19/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Bộ GD&ĐT rà soát các văn bản của bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để tình trạng lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.

Cùng với việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì việc rà soát, cơ cấu lại các ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường học, nhằm đảm bảo đúng vai trò, ý nghĩa của nó là hết sức cần thiết, không chỉ cho năm học 2017-2018 này mà cho những năm học tiếp theo.

Đặng Thành