Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn nào, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đều tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nhất là, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc làm của công nhân, lao động không ổn định; thời gian làm việc kéo dài và cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc ít được cải thiện, nên nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn gia tăng; sự phân tầng và phân hóa giàu nghèo trong lực lượng lao động ngày càng chênh lệch lớn. Vì vậy, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn các cấp. Tại Thừa Thiên Huế, những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức và đoàn viên công đoàn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 30% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; 70% doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên thành lập được công đoàn cơ sở. Công đoàn tham gia cùng các cấp chính quyền tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, nhất là nội dung: thương lượng ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; giao kết hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ chính sách đối với CNVCLĐ về tiền lương, tiền thưởng. Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp, lãnh đạo công ty phối hợp với tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm đến việc nâng cao trình độ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Điển hình như: Công ty SCAVI Huế đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây nhà ở miễn phí cho công nhân; xây nhà văn hoá, thuê thầy để dạy đàn, dạy hát cho người lao động; xây sân bóng đá. Công ty Cổ phần Dệt may Huế đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà ăn tập thể; cử cán bộ, công nhân đi đào tạo nâng cao trình độ quản lý và tay nghề... Tuy nhiên, số doanh nghiệp quan tâm đến người lao động như vậy không nhiều; chưa kể nhiều doanh nghiệp còn cố tình “lách luật”, biến lao động thường xuyên thành lao động thời vụ để trốn tránh nghĩa vụ; nợ tiền bảo hiểm xã hội làm cho người lao động “thiệt đơn thiệt kép” khi mất việc, tai nạn lao động; không quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc, bảo hộ lao động dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động cao, bệnh nghề nghiệp đeo đẳng suốt đời ...

Vì vậy, tổ chức công đoàn các cấp cần có những việc làm thiết thực, cụ thể, chăm lo toàn diện cho đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh cả về vật chất, lẫn tinh thần. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tôn vinh CNLĐ tiêu biểu... Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực xã hội đẩy mạnh các hoạt động xã hội, như: trao tặng “Mái ấm công đoàn”, trao học bổng cho con em CNVCLĐ... góp phần vào chủ trương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế của mình. 
Hoàng Giang