Bao nhiêu phần trăm khách đến Huế sử dụng dịch vụ cao cấp hay trung bình là những dữ liệu có ích để nhà đầu tư phân tích, đánh giá và quyết định đầu tư

Dự báo hay định hướng là nhìn những gì diễn ra trong tương lai. Vì là cái sẽ diễn ra nên những dự báo không phải lúc nào cũng chính xác.

Hai vấn đề nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn đưa ra một dự báo nào đó, chẳng hạn như dự báo tăng trưởng kinh tế thì phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu tư của doanh nghiệp. Trong điều kiện bình thường, dự báo có thể tương đối chính xác là dựa trên những chỉ số hiện tại, tức là thống kê có chính xác thì mới có những dự báo được đưa ra chính xác.

Một nguồn tin, dẫn nguồn theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết, cách tính lượng khách du lịch dựa trên các dữ liệu: Số khách lưu trú có đăng ký (số này lấy từ Cục Thống kê) cộng với 50% số khách tham quan di tích và khách tàu biển. Nếu thông tin trên là đúng thì nhìn vào các căn cứ được đưa ra chúng ta thấy nó rất khó tiệm cận với thực tế. Căn cứ khoa học là như thế nào để cộng thêm 50% số khách tham quan các di tích và khách tàu biển? Liệu còn có bỏ sót một nguồn khách khác đến Huế nhưng chưa thống kê được. Hay có sự trùng lặp khi một lượng khách nào đó vừa lưu trú, vừa tham quan và có thể họ cũng là khách tàu biển?

Như đã đề cập, thống kê, tức là ghi nhận bức tranh thực tại có chính xác thì mới có thể đưa ra những dự báo tương đối chính xác được. Ở đây, đối với ngành du lịch, nếu dự báo tương đối chính xác lượng khách, số ngày lưu trú, mức chi tiêu... Tất cả những thông tin này là rất quan trọng đối với doanh nghiệp, và cả người dân đang kinh doanh ở lĩnh vực du lịch. Nếu như con số thống kê, phân tích càng chi tiết sẽ càng có lợi cho việc đầu tư đáp ứng nhu cầu khách du lịch: Chẳng hạn như có bao nhiêu phần trăm khách đến Huế sử dụng những dịch vụ cao cấp, bao nhiêu phần trăm lượng khách ở phân khúc trung bình...  Tất cả những dữ liệu này sẽ rất có ích để nhà đầu tư phân tích, đánh giá và quyết định đầu tư. Thậm chí là các cơ sở đào tạo du lịch căn cứ vào đó để có hướng đào tạo để cung cấp nhu cầu nguồn nhân lực.

Có thể chúng ta làm công tác dự báo chưa tốt nên các mảng dịch vụ du lịch có tình trạng “lệch pha” giữa cung và cầu. Tổng năng lực lưu trú, tức là cung ứng phòng khách sạn đã vượt xa trước cầu. Khi nguồn cung quá dồi dào, trong khi đó sự liên kết trong hoạt động chưa tốt sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh theo cách kéo giá đi xuống. Xét ở khía cạnh thị trường thì điều này không có gì là lạ - hàng ít giá cao, hàng nhiều giá thấp. Tuy nhiên nó cũng cho thấy một điều, hiệu quả của việc sử dụng vốn chưa cao, điều này có thể liên quan đến những dự báo tăng trưởng du lịch thiếu chính xác!?

Trực tiếp là các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước đồng vốn của mình. Song nếu không đánh giá đúng nhu cầu, nó còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Chẳng hạn như ảnh hưởng đến thị trường tín dụng. Với đặc điểm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (loại hình doanh nghiệp này chiếm gần như tuyệt đối hiện nay), muốn hoạt động được chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng. Khi đồng vốn không phát huy hiệu quả, không chỉ gây nên những khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp một phần mà nó còn ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng (rất nhiều công trình xây dựng nói chung và du lịch nói riêng xây dựng dở dang cả chục năm qua và hiện nay vẫn chưa thể hoạt động được cho thấy điều này), nợ xấu tăng lên. Một khi nợ xấu của hệ thống tín dụng ở mức cao thì khó có một mặt bằng tín dụng với giá rẻ hơn.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: VÕ NHÂN