Sông Hương ô nhiễm bởi vàng mã

Thiếu tôn trọng dòng sông

Hòn Chén là ngôi điện rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian. Lễ hội điện Hòn Chén là một trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian của những tín đồ suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, Nữ thần Thiên Y A Na là con của Ngọc Hoàng, được sai xuống trần gian giúp đỡ dân nghèo. Bà có công tạo ra trái đất, lúa gạo và các loại gỗ quý. Lễ hội điện Hòn Chén là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống quan trọng, là dịp để hàng vạn tín đồ bốn phương thể hiện lòng thành kính với Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Nét đẹp truyền thống của lễ hội điện Hòn Chén không còn là vấn đề phải bàn nhiều, nhất là khi “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Điều đáng nói, sau mỗi kỳ lễ hội, những hành vi thả “rác” vàng mã trực tiếp xuống dòng sông Hương được phản ánh nhiều nhưng tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ cần thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng Hương thì còn nhiều ý kiến rất “cứng”. Họ gọi người đưa tin là “anh hùng bàn phím”, là “những người không hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội”…

Trong kỳ lễ hội tháng 7 vừa qua, mặc dù trên mỗi chiếc đò ngang từ bến Than qua điện Hòn Chén, Ban tổ chức đều dán thông báo để khách hành hương không thả trực tiếp vàng mã xuống sông, nhưng thực tế vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) bức xúc: “Quan niệm thả trực tiếp vàng mã xuống sông dâng lễ thần thánh dưới nước đã ăn sâu trong tâm thức nhiều người quá rồi, nên thông báo thì mặc thông báo, họ thả cứ thả, anh em không thể kiểm soát hết được. Nếu đi trên đò ngang bị nhắc nhở thì khách sẽ đi dọc bờ sông, sẽ lên cầu phía Hương Thọ để thả xuống. Thậm chí, nhiều khách mua ốc, cá để phóng sinh trên sông rồi tiện tay phóng cả túi ni lông trôi lềnh bềnh trên mặt sông. Để đảm bảo môi trường trong khu vực, ban quản lý điện Hòn Chén đã xây thêm bể đốt ở cả hai bên bờ sông, nhưng số người lên “hóa” tại bể không nhiều. Những năm gần đây, chúng tôi phải thuê người thường xuyên vớt vàng mã do khách hành hương thả trên sông. Lực lượng này hoạt động liên tục nhưng vẫn không xuể”.

Kiến trì với những biện pháp mạnh

Thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định 56 về việc cấm rải vàng mã ở 15 tuyến đường điểm trên địa bàn (năm 2014), rất nhiều ý kiến trong dân e ngại với quy định trên, bởi việc đốt vàng mã sau mỗi lễ cúng, rải vàng mã khi đưa tang đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi người, dẫu vậy, đến nay hành vi này đã có chuyển biến rất nhiều. Người dân đã có ý thức đốt vàng mã trong thùng, thay vì đốt trên vỉa hè, lòng lề đường như trước đây. Nhà có hiếu sự, trên đường đưa tang thì thả vàng mã xuống đường ít lại, theo kiểu “chỉ làm dấu”…

Trong Quyết định 56 của UBND tỉnh, việc rải, thả hàng mã, vàng mã xuống sông, biển, ao hồ… cũng là những hành vi bị nghiêm cấm. Trước đó, trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP, Chính phủ có quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1, điều 18 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá”: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”. Đây chính là hành lang pháp lý để chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có cơ sở để “hợp tác hành động”, nhằm thay đổi hành vi thả vàng mã xuống sông Hương của khách hành hương về tham dự lễ hội điện Hòn Chén.

So với hành vi đốt vàng mã và rải vàng mã trên các tuyến đường điểm khi đưa tang, việc kiểm soát hành vi thả vàng mã trên sông Hương trong dịp lễ hội thuận lợi hơn nhiều. Lễ hội tập trung ở một khu vực thuộc 2 xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) và Hương Thọ (thị xã Hương Trà). Ngoại trừ các bằng, châu án có đăng ký cụ thể với Ban tổ chức, thì khách lẻ chỉ có thể tham gia lễ hội bằng cách đi đường sông từ bến Than hoặc đường bộ phía xã Hương Thọ…

Ban tổ chức lễ hội đã có thông báo không thả trực tiếp vàng mã xuống sông và dán trên các chuyến đò ngang, đồng thời xây dựng thêm bể đốt, nhưng thực tế vẫn chưa đủ. Cần thiết, ban tổ chức phải huy động thêm người và “cắm dày” ở trên đò ngang, dọc bờ sông để kịp thời nhắc nhở khách hành hương. Đồng thời, tổ chức thêm những tấm biển báo cấm cỡ lớn, kèm theo mức độ xử phạt… bố trí ở những vị trí mặt tiền để khách dễ thấy. Mưa dầm thấm lâu.

Ông Lê Văn Trừu, người lái đò già tại bến Than, nói: “Niềm tin tâm linh suy cho cùng cũng là để cầu mong bình an trong cuộc sống. Nếu chỉ vì bản thân mình mà gây ảnh hưởng đến môi trường chung thì hoàn toàn không nên. Vẫn biết việc thả vàng mã, lễ vật xuống sông để cầu an là niềm tin ăn sâu của nhiều người, nhưng để thay đổi, không phải là không có cách. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng vấn đề này phải tuyên truyền mạnh hơn nữa. Tuyên truyền trên ti vi, trên đài truyền thanh để không chỉ riêng người Huế ý thức được mà người dân ở nhiều vùng trong cả nước cũng phải biết”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN