Đây không chỉ là vấn đề đặt ra cho riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn là gợi mở cho các địa phương phát triển đúng hướng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, không còn là nguy cơ mà trở thành hiểm họa trước mắt.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu tác động rõ nét với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, nước biển dâng, xâm nhập mặn... Cùng với đó là việc khai thác sử dụng tài nguyên lãng phí, nhất là tài nguyên nước phục vụ sản xuất của con người đẩy nhanh quá trình tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân.

Với Thừa Thiên Huế, tác động của biến đổi khí hậu cũng diễn biến phức tạp và ngày càng trầm trọng hơn. Rõ nhất, sau cơn bão số 10 vừa qua nhiều đoạn đê biển, vùng cửa sông bị xâm thực mạnh; một số nơi nước mặn tràn vào đồng ruộng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Dù nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương được đầu tư cho hệ thống đê điều, xây kè bờ sông nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu so với tốc độ và quy mô sạt lở đang diễn ra.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, đối với đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đề nghị không nhất thiết phải sản xuất lúa 3 vụ mà cần chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, nhất là cây trồng ít sử dụng nguồn nước. Với cách thức tiếp cận này, việc phát triển sản xuất của tỉnh ta cũng cần có nghiên cứu lại cho phù hợp. Chẳng hạn,  vùng cát Ngũ Điền vốn bỏ hoang, khi tìm được hướng phát triển nuôi tôm trên cát được xem là hướng đi phù hợp. Thực tế, nuôi tôm trên cát giúp một số hộ khá lên, nhưng nhìn cả quá trình thì nuôi tôm trên cát cũng phập phù, vụ trúng đậm, vụ lỗ trắng tay. Một hệ lụy khác sớm muộn cũng sẽ xảy ra là nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức, cộng với việc đưa nước mặn vào nuôi tôm dẫn đến mặn xâm nhập, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái nơi  đây. Hoặc, ở một số địa phương ven biển, đầm phá việc đầu tư hệ thống đê điều để sản xuất lúa ở vùng ô trũng chưa hẳn là hướng đi đúng mà có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hoặc xen canh giữa trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Để tìm được câu trả lời chính xác cho hướng phát triển của từng vùng và mỗi địa phương cần phải có những nghiên cứu cụ thể và đặt trong mối liên kết vùng thì mới có thể khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đây là công việc cần có thời gian và sự đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất lúc này là cần đổi mới tư duy trong cách tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn nước (kể cả nước ngọt lẫn nước mặn, nước lợ), để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu có sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể biến những thách thức thành thời cơ, cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với việc biến đổi khí hậu.

Hoàng Minh