Làm BOT vì Nhà nước không có tiền
Chiều 28/9, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Đông cũng thẳng thắn nêu lên những vấn đề tồn tại của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo Thứ trưởng Đông, làm dự án BOT là chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện có những bất cập, hợp đồng mẫu chưa có, hợp đồng chưa bao quát hết các mặt của vấn đề. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ.
Dự án có vấn đề liên quan đến tính khả thi về BOT, nguyên nhân do đánh giá chưa kỹ về mặt xã hội, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí ở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT…
Nói về vấn đề trách nhiệm đối với các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận: Trách nhiệm quản lý Nhà nước là của Bộ GTVT.
Về việc đặt trạm thu phí, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, trạm thu phí được đặt theo quy định của Bộ Tài chính, trên cơ sở phương án tài chính, theo khảo sát của đơn vị tư vấn và sự thống nhất của địa phương.
“Việc rà soát không phải 1 lần là được phép đặt trạm mà phải trình đi trình lại, không dễ dàng khi đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Việc đặt trạm BOT và thu phí là điều không ai muốn, nhưng ngân sách không có tiền để làm dự án. Nhật hay Mỹ cũng phải có quỹ để làm đường bộ” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ.
Sau hàng loạt những phản ứng về BOT từ người dân, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, phải đánh giá mặt được và chưa được. Bài học kinh nghiệm rút ra nhiều, trong đó trước tiên phải có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để dẫn chiếu thực hiện.
“Chúng tôi cho rằng phải có sự tổ chức thực hiện tốt hơn, quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, nhưng cũng cần có nền tảng hệ thống quy phạm pháp luật. Bộ GTVT đã đề nghị nhiều lần việc xây dựng có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã có kiến nghị tương tự như Bộ GTVT.” - Thứ trưởng Đông nói.
Dừng dự án BOT trên tuyến độc đạo
Những vấn đề bất cập của dự án BOT đã được nêu ra và thừa nhận, câu hỏi đặt ra ở đây là: Có nên dừng các dự án BOT lại đến khi có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới hay tiếp tục làm rồi sửa?
Với việc này, Thứ trưởng Đông cho hay: “Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn. Đối với việc nâng cấp cải tạo các tuyến đường cũ, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ không làm nữa”.
Thứ trưởng Đông khẳng định, trong trường hợp dự án cấp bách, khi Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn thì việc kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng.
Trên thực tế, Bộ GTVT đã đấu thầu một số dự án như Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuy nhiên nhà đầu tư đều có đề nghị là phải được bảo lãnh thì mới làm dự án. Việc này Bộ GTVT cũng đã đề nghị nhiều lần với Chính phủ.
“Nhà đầu tư họ đề nghị bảo lãnh tỷ giá khi họ mang ngoại tệ vào Việt Nam đầu tư, nhưng việc này chưa được quy định cụ thể và cần có cơ chế được cấp có thẩm quyền đồng ý. Hiện luật chưa đủ, bên dưới luật chỉ quy định chung. Tính toán tài chính đầu vào trượt giá, mức độ tăng trưởng tính thế nào cũng phải có cơ chế chính sách. ” - Thứ trưởng Đông cho biết thêm.
Được biết, trong Đề án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng đưa ra các cơ chế theo khung pháp lý kèm theo và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, chờ Quốc hội cho ý kiến.
Theo Dân trí