Một người đàn ông chải tóc cho con gái trong lều tại trung tâm sơ tán tạm thời dành cho những người sống gần núi Agung (REUTERS/Darren Whiteside)

Mức cảnh báo của núi lửa Agung đã được nâng lên cao nhất vào tuần trước khi các cột khói trắng bốc lên và các cơn địa chấn trong khu vực ngày càng dày đặc. Từ tuần trước, hàng chục nghìn dân làng ở khu vực dưới chân núi đã phải rời bỏ nhà cửa.

Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia In-đô-nê-xi-a cho biết, nhiều người đã chạy trốn vì họ không chắc chắn về sự an toàn trong khu vực bán kính 12 km (bảy dặm) xung quanh miệng núi lửa.

Những người sơ tán đang ở trong lều, phòng tập thể dục của các trường học và các tòa nhà của chính phủ ở các ngôi làng lân cận.

Mặc dù có rất nhiều nguồn lương thực thực phẩm, nước uống, dược phẩm,… nhưng người sơ tán lo lắng sinh kế của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu phải chờ đợi quá lâu.

Các quan chức cũng cho hay, có khoảng 30.000 gia súc trong khu vực nguy hiểm xung quanh núi lửa và mọi nỗ lực đang được thực hiện để di chuyển gia súc đến nơi an toàn vì đây là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều người dân.

Hơn 1.000 người đã bị thiệt mạng trong lần cuối cùng núi Agung phung trào vào năm 1963. Đảo Bali nổi tiếng với những bãi biển và đền thờ đẹp đã thu hút ​​gần 5 triệu du khách năm ngoái, chủ yếu là từ Trung Quốc, Úc và Nhật Bản. Những đám mây tro bốc lên do núi lửa phun trào đã làm ảnh hưởng đến du lịch ở Bali và các vùng khác của In-đô-nê-xi-a trong những năm gần đây. Hàng trăm chuyến bay nội địa và quốc tế đã bị gián đoạn vào năm 2016 khi một ngọn núi lửa phun trào trên đảo Lombok gần đảo Bali.

Indonesia có gần 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Nhiều núi lửa trong số này đang ở mức độ cảnh báo cao nhưng có thể là vài tuần hay vài tháng nữa mới chính thức xảy ra phun trào.

Ngọc Hà (dịch từ Reuters)