Nằm trong tổng thể này, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng của Thừa Thiên Huế năm nay cũng được ghi nhận là giảm 3401 bộ, một con số đáng kể so với kỳ thi trước đó; trong đó, khối B giảm 650; khối C giảm hơn 600; khối D giảm hơn 200...

Một đánh giá khá tổng quan khác từ lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng các số tỉnh, thành phía bắc và Thừa Thiên Huế cho thấy, đã có sự lựa chọn và phân luồng kỹ hơn trong lựa chọn ngành nghề cho tương lai. Trong khi số đăng ký dự tuyển vào các khối ngành, ngành kinh tế và các trường ngoài công lập giảm mạnh thì các ngành kỹ thuật, sư phạm, nông lâm, y dược lại có xu hướng tăng, nhất là sư phạm. Riêng Thừa Thiên Huế, khối A và khối B được thí sinh đăng ký nhiều nhất và sư phạm vẫn nằm ở vị trí thứ tư. Một đánh giá khác, các trường đại học khu vực, đại học địa phương và các trường tốp giữa cũng nhận được nhiều hồ sơ dự tuyển hơn hẳn so với các năm trước. Đây có lẽ là cách để tiết kiệm chi phí được gia đình và thí sinh nhắm đến trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế đang có.

Thông điệp chung được chuyển tải xung quanh việc hồ sơ đăng ký vào đại học và cao đẳng giảm và giảm đáng kể cho thấy, phụ huynh và thí sinh đã có độ giảm tốc trong cuộc đua vào các trường đại học và bắt đầu có nhận thức đúng hơn về năng lực thực tế cũng như cơ hội, khả năng có việc làm trong xã hội. Đây là điều kiện có tính chất quyết định đối với số lượng hồ sơ dự thi. Bên cạnh đó là yếu tố có tác động không kém phần quan trọng ở công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các em được triển khai khá rộng khắp tại các tỉnh, thành trong những năm qua đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phân luồng, phân tuyến. Bên cạnh đó là những động thái tích cực của một số tỉnh, thành phố ở việc hỗ trợ cho học sinh vào các trường nghề như một cách thu hút đào tạo nhân lực trong các doanh nghiệp, công ty mà Vĩnh Phúc là một ví dụ.

Hạnh Nhi