Một số khu TĐC phải xây dựng theo mẫu thiết kế mẫu (khu TĐC Thủy Thanh)

Bất cập

Việc xây dựng, bố trí TĐC tại khu đô thị An Vân Dương thời gian qua vẫn chậm, ảnh hưởng tới công tác GPMB, kéo theo DA chậm tiến độ.

Tại một cuộc họp giải quyết các vấn đề vướng mắt trong công tác GPMB tại An Vân Dương diễn ra vào ngày 13/9 do UBND tỉnh tổ chức, ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, khu An Vân Dương không chỉ bố trí TĐC cho các DA của khu đô thị mới, hay các DA thuộc phạm vi phường Xuân Phú, An Đông mà còn là địa điểm bố trí TĐC cho các DA lân cận khác trên địa bàn. Vì vậy, công tác chuẩn bị quỹ đất bố trí TĐC rất cần thiết.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, khi công bố quy hoạch và thông báo về quyết định thu hồi đất, người dân thường đặt câu hỏi về bố trí TĐC. Vì thế, trước khi công bố quy hoạch, cần dự kiến sắp xếp vị trí TĐC, tiến độ đầu tư hạ tầng và số lô sẽ được bố trí. Thực tế, có một số DA sau khi công bố quy hoạch vẫn chưa thể trả lời được bố trí TĐC ở đâu, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Do đó, cần đổi mới về tư duy, nhận thức trong công tác TĐC; theo đó TĐC phải đi trước một bước, phải nghiên cứu hình thành trước các khu TĐC chứ không thể chờ có DA mới làm TĐC.

Song song với bố trí TĐC, công tác quản lý quy hoạch tại các khu TĐC cũng khiến chính quyền địa phương "đau đầu". Theo ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, hiện đã có chủ trương ban hành thiết kế mẫu tại một số khu TĐC. Tuy nhiên trong thực tế công tác quản lý xây dựng theo thiết kế nhà mẫu được ban hành vẫn còn nhiều khó khăn.

Khu tái định cư TĐC 1 là một ví dụ, toàn bộ DA có 51 hộ được bố trí đất TĐC trong khu đô thị mới thì có đến 50% hộ khó khăn phải nợ tiền sử dụng đất. Trong khi việc thực hiện xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu cần số tiền không nhỏ gây khó khăn cho người dân. Nên chăng cần tìm vị trí thích hợp hơn ngoài khu đô thị để bố trí TĐC vừa giảm áp lực cho người dân khi xây dựng nhà và địa phương trong công tác quản lý.

Bản thân một số DA về phát triển nhà ở đã có phương án tạo quỹ đất dành để bố trí TĐC tại chỗ (dự án Đông Nam Thủy An)

Tái định cư phải đi trước một bước

Thu hồi đất là một công việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhiều vấn đề, tác động đến nhiều mặt của xã hội và cộng đồng dân cư. Thực tiễn cho thấy, thu hồi đất là điều kiện tiên quyết để DA có thể thực hiện đúng tiến độ. Song, công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC đang tồn tại một số khó khăn và hạn chế. Một phần nguyên nhân là do thiếu sự đồng thuận của người dân, cơ chế trong GPMB chưa thật sự phù hợp và đồng bộ, sự phối hợp của các bên tham gia thực hiện công tác GPMB chưa chặt chẽ.

Nhằm thực hiện rà soát tổng thể nhu cầu TĐC phục vụ GPMB, mới đây, Ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị tỉnh đã rà soát tổng thể về nhu cầu TĐC dành cho các DA trên địa bàn khu đô thị mới An Vân Dương. Đồng thời, rà soát tổng thể về số liệu quỹ đất TĐC dự kiến hình thành trên địa bàn đô thị mới trên nguyên tắc đảm bảo cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu về TĐC.

Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị tỉnh thông tin, dựa trên danh mục các DA đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2016-2020; danh mục DA đầu tư có sử dụng đất, DA đầu tư theo hình thức đối tác công tư… Theo đó, trên địa bàn có 30 DA có nhu cầu cần bố trí TĐC với khoảng 1.310 lô. Giai đoạn từ nay đến 2020 cần khoảng 702 lô và sau năm 2020 khoảng 608 lô. Bản thân một số DA về phát triển nhà ở đã có phương án tạo quỹ đất dành để bố trí TĐC tại chỗ với khoảng 86 lô. Nhu cầu TĐC còn lại khoảng 1.224 lô.

Về tổng thể quỹ đất TĐC hình thành bởi các DA TĐC nằm trên khu đô thị dự kiến đến năm 2020 có khoảng 1.754 lô; sau năm 2020 khoảng 130 lô. Quỹ đất đã được phân bổ dành bố trí TĐC tại chỗ, bán đấu giá và bố trí TĐC cho các DA đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương khoảng 491 lô. Quỹ đất còn lại dành để phục vụ cho các DA khoảng 1.393 lô.

Rà soát tổng thể nhu cầu TĐC phục vụ GPMB thời gian trung hạn là quan điểm mới làm thay đổi căn bản các bước tiến hành trong thực hiện các DA đầu tư thời gian tới. Bởi, việc vừa làm DA, vừa GPMB, vừa di dân TĐC tạo ra rất nhiều áp lực và dồn khối lượng công việc lớn đối với chính quyền các cấp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới các hộ dân phải di chuyển trì hoãn việc bàn giao mặt bằng.

Việc quản lý quy hoạch tại các khu TĐC, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương ban hành thiết kế mẫu nhà tại một số khu vực có ảnh hưởng đến cảnh quan chung của đô thị. Riêng tại khu đô thị An Vân Dương có thể kể tên các dự án phải xây dựng thiết kế nhà mẫu như khu Đô thị Mỹ Thượng, khu tái định cư TĐC1; TĐC Thủy Thanh… Các phương án thiết kế mẫu nhà được lấy ý kiến cơ quan ban ngành, cộng đồng dân cư là cơ sở để hình thành khu dân cư mẫu hoàn chỉnh. Để công tác quản lý thực thi, tuân thủ theo chủ trương UBND tỉnh, các ban, ngành cần có sự phối hợp, nhất là các địa phương phải phát huy vai trò của mình trong quản lý phát hiện và xử lý vi phạm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trong buổi làm việc với các sở ngành liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại An Vân Dương cũng đã nhấn mạnh: "Khi thực hiện bất kỳ DA nào, ở đâu, công tác TĐC phải đi trước một bước. Cùng với chuẩn bị tốt quỹ đất bố trí TĐC, việc hoàn chỉnh hạ tầng trên cơ sở “nơi ở cũ phải tốt hơn nơi ở mới” phải được thực hiện nghiêm. Về cơ bản, sống trong một khu đô thị mới, hiện đại thì cần có sự quản lý, thống nhất thiết kế cũng như quy hoạch chi tiết nên phải tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng đùn đẩy vai trò quản lý, nhất là các địa phương".

Khi quan điểm “tái định cư đi trước” được triển khai đồng bộ, việc quy hoạch, xây dựng các khu TĐC sẽ được triển khai sớm, bảo đảm tính tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, có tính kết nối cao giữa các DA. Khi đó, tiến độ triển khai các DA sẽ có những chuyển biến, tạo nên bước đột phá trong bộ mặt đô thị An Vân Dương nói riêng và đô thị Huế nói chung.

Bài, ảnh: Hoàng Loan