Đây là khu phố đi bộ thứ 2 của thành phố, sau phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ sông Hương được đưa vào hoạt động cách đây hơn 2 năm. Công trình mới này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, thẩm mỹ, với tổng kinh phí ước tính hơn 50 tỷ đồng.

Phố đi bộ là một xu hướng, được nhiều thành phố trên thế giới xây dựng. Ở trong nước, các thành phố như Hà Nội, Hội An, TP. Hồ Chí Minh… cũng đã hình thành nhiều khu, tuyến phố đi bộ, tạo ra không gian văn hóa đặc biệt phục vụ người dân và du khách quốc tế, trở thành sản phẩm du lịch giá trị.

Huế với đô thị xanh quốc gia, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa đặc sắc thì việc triển khai thêm các tuyến phố đi bộ sẽ là những điểm nhấn, để níu chân du khách. Điều quan trọng là việc quản lý, khai thác làm sao để phố đi bộ thực sự phát huy giá trị. Giá trị đó có thể không đong đếm bằng từng con số cụ thể mà sẽ tồn tại trong lĩnh vực môi trường sống, môi trường kinh doanh, sự hài lòng của người dân và du khách… Ngay trong đêm khai trương phố đi bộ, bên cạnh những thành công như đã nói thì một vấn đề đã gây bất bình cho không ít người là tình trạng tự ý tăng giá giữ xe lên gấp 2, gấp 2,5 lần tại các điểm giữ xe (thực trạng này thường diễn ra tại hầu hết các sự kiện như Festival, hội chợ ẩm thực… giá có khi tăng lên gấp 5 lần).

Để tạo thuận lợi cho khách vào phố đi bộ, về lâu dài cần có một quy định hợp lý về giá gửi xe để thu hút khách tham gia... Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền các hộ doanh nghiệp, người dân cùng chia sẻ, chấp hành các quy chế đã đề ra để xây dựng tuyến phố văn minh kiểu mẫu… là hết sức cần thiết. Chẳng hạn như tuyến đi bộ Nguyễn Đình Chiểu mặc dù đã quy định nghiêm cấm phương tiện hoạt động, nhưng đến nay nhiều người vẫn ngang nhiên điều khiển xe máy vào phố đi bộ; nên cần thiết phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn chung. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng trà trộn vào đoàn du khách để chèo kéo, ép khách đổi tiền, mua tranh ảnh… như đã từng xảy ra.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, tuyến phố đi bộ này sẽ kết nối với các công viên bờ nam sông Hương qua đường Lê Lợi, tiếp nối với đường Nguyễn Đình Chiểu và sử dụng cầu Trường Tiền cho việc đi bộ để phát huy, khai thác với các công viên bờ bắc sông Hương, chợ Đông Ba… Nếu quản lý, khai thác hiệu quả thì phố đi bộ trong lòng đô thị Huế không chỉ dừng lại ở đó, mà có thể triển khai thêm ở nhiều tuyến phố tiềm năng khác như phố cổ Chi Lăng, Bạch Đằng… mở ra một không gian văn hóa đặc trưng, đáp ứng nhu cầu cho du khách, người dân.

Đặng Thành