Để đọc những dòng thông tin “chạy” trên bảng truyền thông này, tôi phải dừng xe lại và mất chừng hai, ba phút để đọc. Hỏi chuyện nhiều người khác, họ cũng xác nhận phải mất khoảng chừng ấy phút để cập nhật thông tin trên bảng truyền thông.

Bảng truyền thông đặt trên đường Hà Nội không phải lúc nào cũng hoạt động

Đã có ý kiến cho rằng, người đi đường lo điều khiển phương tiện, nên không ai đọc; nếu ham đọc thông tin thì rất dễ bị phân tâm dẫn đến tai nạn. Chị Trương Thị Thúy Hồng, ở đường Lý Thường Kiệt, cho biết: “Nhà tôi ở gần bảng truyền thông, nhưng chưa bao giờ tôi đọc thông tin ở trên đó. Bởi vì sáng sớm phải lo chạy xe đưa con đi học kịp giờ, chiều lo về nhà lo cơm nước cho gia đình, tối tăm mặt mũi, thời gian đâu mà đọc”. Còn theo anh Lê Văn Tiến, ở phường Vỹ Dạ: Đôi khi dừng lại ở đèn xanh, đèn đỏ, anh cũng nhìn lên bảng truyền thông và đọc thông tin ở đó. Nhưng thông thường là đọc không hết, nếu có đọc hết cũng chẳng nhớ gì.

Theo ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh, phần lớn các bảng truyền thông đặt trên địa bàn TP. Huế do sở quản lý, còn lại một số bảng do UBND TP. Huế quản lý. Thực hiện việc xã hội hóa, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh đã đồng ý để một số đơn vị, doanh nghiệp lắp đặt bảng truyền thông. Những đơn vị, doanh nghiệp tự bỏ tiền lắp đặt bảng sẽ đăng các thông tin giới thiệu, quảng cáo về đơn vị trên bảng truyền thông.

Để lắp đặt một bảng truyền thông tốn không ít tiền, đó là chưa kể tiền sử dụng cho chi phí hoạt động, chi phí bảo trì các bảng truyền thông này. Nên chăng các đơn vị lắp đặt, các đơn vị chủ quản bảng truyền thông cần có sự thay đổi trong việc giới thiệu thông tin trên bảng truyền thông cho phù hợp, dễ hiểu… thì hiệu quả tuyên truyền, quảng bá sẽ được nâng lên rất nhiều.

Bài, ảnh: Ngự Bình