Tôi còn nhớ mãi mùa Trung thu năm tôi học lớp 4. Tối nào ăn cơm xong là hai anh trai tôi tót đi chơi múa lân, tôi cũng chân thấp, chân cao chạy theo để coi.

Tôi đi theo đoàn múa lân không phải coi múa mà thật sự là đi “dòm” lồng đèn của chị D. Năm nào cũng thế, nhà làm hàng mã nên ba mạ chị D. làm cho chị chiếc lồng đèn thiệt đẹp. Mà chỉ đứng xa xa nhìn, đâu có mon men lại gần được vì bạn của chị ấy (cũng tầm lớp 7,lớp 8) vây quanh chị như vây quanh một nàng công chúa. Những khi chị cho chị này, chị kia cầm lồng đèn một lúc, tôi nhìn mà thèm, ước chi mình là bạn chị ấy để được chạm vào chiếc đèn tuyệt vời ấy.

Bây giờ kể lại chuyện này, các con tôi không tin và bảo như đang nghe chuyện cổ tích.

Tôi mơ ước có chiếc lồng đèn mà đâu dám nói. Và chuyện cổ tích đến thật.

Mạ tôi đã bí mật làm cho tôi một chiếc lồng đèn. Đó là chiếc lồng đèn bánh ú, được bồi bằng giấy pơ- luya dày có màu trắng đục với chùm tua bên dưới. Tôi không nhớ kỹ lắm về trang trí nhưng tôi nhớ như in cái màu ánh sáng của cây nến được lọc qua lớp giấy, nó lung linh như thần tiên. 

Tôi mừng rỡ đến nỗi nghĩ mạ tôi là bà tiên vì hiểu thấu lòng tôi với nỗi khao khát có chiếc lồng đèn “huyền thoại”.

Mỗi mùa Trung thu trong đời sau này, khi đã làm mẹ, dù bận bịu đến đâu, tôi cũng làm một chiếc lồng đèn cho con, dù hàng bán tràn ngoài chợ.

Đến thăm chùa Long Thọ, nơi đang nuôi dạy gần 80 cháu câm điếc, bệnh tật gặp lúc chùa và một nhóm thiện nguyện đang tổ chức trung thu cho các cháu, tôi gặp lại những chiếc ồng đèn ông sao dễ thương, xinh xắn của tuổi thơ mình. Ngoài chiếc mũ và quà tặng trung thu, cháu nào hát một bài được tặng thêm một chiếc lồng đèn. Tôi nhìn thấy chính mình của ngày xưa trong các em với ánh mắt vui mừng. Có em ôm chặt, ấp chiếc lồng đèn vào ngực mình.

Một chị trong đoàn thiện nguyện cho biết: chị chọn mua lồng đèn giấy của Huế làm vì đó cũng là tuổi thơ của chị. Có bao nhiêu người như chị đã mang ánh sáng của chiếc lồng đèn tuổi thơ đi suốt cuộc đời mình, để bây giờ tiếp tục thắp sáng niềm vui, lòng yêu đời trong mỗi hoàn cảnh khó khăn? Tôi tin là nhiều lắm.

Có rất nhiều hoạt động vui Trung thu được tổ chức cho các cháu thiếu nhi khắp nơi, đặc biệt là các cháu có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm, các cháu bệnh nhi ung thư đang điều trị tại các bệnh viện… Không chỉ chiếc lồng đèn mà tiếng trống múa lân, tình thương yêu của người lớn dành cho các em là nguồn ánh sáng, là ký ức của tuổi thơ tươi đẹp. Một bác sĩ ở Khoa điều trị bệnh nhi Ung bứu Bệnh viện Trung ương Huế đã rơm rớm nước mắt “Thương lắm chị ơi, chạy chơi rứa mà vào thuốc là mệt mỏi, tội lắm!” 

 Ở Huế bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc đến ôn Siêu, một người mà đến khi nằm xuống, người đi đưa tiễn kéo một hàng dài trọn cả con đường Phan Đăng Lưu, tràn ra đường Trần Hưng Đạo, có đầy đủ từ người bán vé số, bán nước chè, người sửa xe đạp… cho đến sinh viên, học sinh, người lớn. Suốt cuộc đời không vợ con của mình, ôn chỉ dành để đi quyên góp và trao tặng quà, gạo cho người nghèo. Gần 40 năm như thế, Ôn đã ở trong lòng người dân Huế. Chuyện về Ôn Siêu tôi được nghe kể qua lời một người từng được Ôn giúp đỡ và anh ấy bây giờ tóc cũng đã muối tiêu, thành đạt nhưng vẫn không quên “Anh em tôi nhớ ơn Ôn suốt đời!”.

Một ngọn lửa nhỏ cũng đủ sức phá tan màn đêm đen dày đặc. Điều quan trọng là đốm sáng ấy đem lại sự tự tin, niềm hy vọng cho con người. Cũng như người đi biển, giữa bao la sóng nước, họ nhìn sao trên trời để định hướng. Ai cũng cần có một điểm sáng để khỏi đi chệch hướng trong cuộc đời mình.

Tiếng trống lân đang vang lên rộn rã khắp nơi. Những ánh đèn trung thu mới đang được thắp lên, tiếp nối thầm lặng và đầy thương yêu.

Xuân An